Phát huy sáng kiến, sáng tạo để tăng năng suất lao động
Với tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề và ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nhiều công nhân đã đóng góp cho doanh nghiệp những sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi lớn. Những đóng góp đó đã được doanh nghiệp và các cấp Công đoàn kịp thời ghi nhận, biểu dương, qua đó tạo động lực giúp công nhân lao động tiếp tục phấn đấu, góp phần vào sự phát triển chung của đơn vị.
Trong suốt quá trình làm việc tại Công ty TNHH Lixil Việt Nam từ năm 2001, anh Lê Huy Hoàn luôn nêu cao tinh thần nỗ lực hết mình trong công việc, tận dụng thời gian tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ để tiếp cận làm chủ các thiết bị, máy móc hiện đại, cùng với tập thể người lao động áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm tốt nhất. Vừa qua, hưởng ứng phong trào đổi mới, sáng tạo góp phần phát triển công ty, anh đã đóng góp sáng kiến sáng tạo cải tiến xe goong từ 1 tầng lên 2, 3 tầng phát huy hiệu quả, giảm thiểu lãng phí cho công ty.
Chia sẻ về sáng kiến cải tiến xe goong của mình, anh Hoàn cho biết: “Công việc chính chúng tôi đang làm là nung sản phẩm từ mộc men thành sứ. Khi làm việc, xe goong có vai trò như giá đỡ bình gốm sứ để đưa vào lò nung. Bình thường khi xe có một tầng, số lượng thành phẩm làm ra ít không đáp ứng được nhu cầu cao của khách hàng. Bên cạnh đó, lượng nhiên liệu để duy trì lò lớn mà sản phẩm ít gây lãng phí rất nhiều, thậm chí nhân công cũng sẽ bị đội lên. Để tối ưu hóa hơn, tôi đã tiến hành nâng các tầng lên, đến nay đã được 3 tầng. Như vậy trong một mẻ nung hiện nay sẽ hiệu quả hơn trước gấp nhiều lần, giảm được rất nhiều chi phí, mặt khác sản lượng cũng tăng lên và chất lượng không thay đổi. Trong tương lai tôi sẽ nghiên cứu và nâng cao sáng kiến này lên nữa”.
Mới chỉ có thâm niên 5 năm làm việc tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam, nhưng anh Nguyễn Văn Chung đã có nhiều cống hiến cũng như sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả trong công việc. Nói về một trong những sáng kiến sáng tạo của mình, anh Chung cho biết: “Những ngày đầu làm việc tại công ty, tôi nhận thấy khâu vận chuyển hàng hóa từ kho lên xe mất rất nhiều thời gian. Để lấy được mặt hàng mình cần thì công nhân phải di chuyển vị trí của nhiều thùng hàng kế bên nên công đoạn này mất khá nhiều thời gian.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, năm 2019, toàn thành phố đã có trên 61 nghìn công nhân lao động được nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở, hơn 3 nghìn công nhân lao động được nhận công nhân giỏi cấp trên cơ sở. Riêng Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội có 150 công nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo”, 368 công nhân giỏi đạt cấp trên cơ sở, 16 công nhân giỏi đạt cấp Thành phố.
Họ là những công nhân trực tiếp lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, là những tấm gương tiêu biểu, cần cù trong lao động, nhiều sáng kiến sáng tạo, góp phần cùng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Từ những tấm gương điển hình đó, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã lựa chọn và tặng danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô cho 90 công nhân lao động.
Cùng đó, để lấy được loại hàng mình cần mọi người hầu hết phải dùng bằng phương pháp thủ công là leo trèo, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị trượt ngã gây mất an toàn lao động. Sau một thời gian trăn trở, suy nghĩ về vấn đề này, tôi đã nghĩ ra sáng kiến sử dụng các lồng đựng hàng và công nhân sẽ đứng trên đó để nhặt để vào lồng. Phương pháp này vừa giúp mọi người đảm bảo an toàn vừa giúp tiết kiệm thời gian trong khâu bốc hàng hóa lên xe. Hiện sáng kiến của tôi đã được áp dụng vào sản xuất và đem lại hiệu quả rất tích cực.”
Nhiều năm gắn bó với Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI Việt Nam, chị Tạ Thị Bắc đã đóng góp những sáng kiến sáng tạo có giá trị làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty. Đơn cử, năm 2018, chị đã có sáng kiến cải thiện các lớp sản xuất, cải thiện trọng tâm về cả nhân lực và hệ thống máy móc, góp phần giảm chi phí thuê nhân công và nâng cao sản lượng, tiết kiệm cho công ty gần 500 triệu đồng/ tháng. Từ tháng 6/2018 đến tháng 3 năm 2019 chị tiếp tục có 2 sáng kiến sáng tạo làm lợi cho công ty hơn 1 tỷ đồng.
Mặc dù đã có nhiều đóng góp nhưng chị Bắc vẫn tiếp tục đặt ra mục tiêu cho riêng mình đó là cống hiến cho công ty nhiều hơn nữa bằng những sáng kiến sáng tạo có giá trị làm lợi lớn. “Những kết quả mà bản thân đã đạt được trong thời gian qua, càng giúp tôi có thêm động lực học hỏi, nâng cao tay nghề để có thêm nhiều sáng kiến sáng tạo nữa. Ngoài ra, tôi cũng luôn hết lòng hỗ trợ cho các đồng nghiệp trẻ để cùng nhau nâng cao hiệu quả công việc, góp phần vào sự phát triển chung của công ty” – chị Bắc bày tỏ.
Với đặc thù công việc tại phân xưởng lắp ráp của Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, đòi hỏi mỗi người thợ phải có kinh nghiệm phán đoán, đánh giá chi tiết để đưa ra những kết quả chính xác nhất cho từng sản phẩm, anh Hoàng Văn Nam đã tìm tòi, học hỏi và đưa ra sáng kiến “Giảm thời gian kiểm tra, thao tác dễ dàng”. Sáng kiến của anh đã được Ban lãnh đạo công ty đánh giá cao và đưa vào áp dụng trong quá trình làm việc tại công ty, qua đó đã giúp giảm thời gian làm việc cho công nhân, góp phần giảm hàng lỗi trên dây chuyền.
So sánh sự khác biệt khi chưa áp dụng sáng kiến vào sản xuất, anh Nam cho biết: “Trước đây khi chưa có sáng kiến, tình trạng hàng lỗi trên dây chuyền vẫn xảy ra, khi đó sẽ phải dừng dây chuyền, ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng đến chi phí của công ty. Kể từ khi áp dụng sáng kiến vào sản xuất các lỗi đó không lặp lại, dây chuyền sản xuất không phải dừng, hiệu quả sản xuất được nâng cao đáng kể”.
13 năm gắn bó với Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam, anh Đoàn Văn Tiến đã có nhiều sáng kiến sáng tạo giúp nâng cao năng suất lao động, đem lại lợi nhuận cho công ty. Mới đây nhất, anh đã đóng góp cho công ty đề án hệ thống phun dầu tự động để bảo quản sản phẩm hộp số, đề án này đã giúp giảm lượng dầu cho một lần thao tác, phun dầu lên bề mặt chi tiết được đều hơn, đặc biệt rút ngắn thời gian thao tác, tiết kiệm sức lao động cho công nhân.
Chia sẻ về những sáng kiến của mình, anh Tiến cho biết: “Để có được những sáng kiến sáng tạo, điều quan trọng là phải đam mê với nghề, luôn sâu sát, nắm bắt những bất cập trong hoạt động sản xuất. Với vai trò là người đứng dây chuyền nên tôi cảm nhận được khó khăn của anh em công nhân, tôi thường khuyên các anh em trong tổ trong khi làm việc nếu gặp phải những thao tác khó, mất quá nhiều thời gian gây lãng phí thì nên nghiên cứu đưa ra các ý tưởng, sau đó thảo luận với các trưởng nhóm và anh chị em công nhân để tổng kết lại rồi đưa ra ý tưởng tốt nhất, có như vậy mới đem lại hiệu quả cao trong công việc”.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-sang-kien-sang-tao-de-tang-nang-suat-lao-dong-96039.html