Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để giúp đỡ người nghèo
Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, những thành tích trong việc xóa đói, giảm nghèo của nước ta thời gian qua là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, chủ động của nhiều địa phương, bên cạnh đó là sự đồng sức, đồng lòng, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, "lá lành đùm lá rách"
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, đóng góp ý kiến thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH Nghệ An cho biết, theo Báo cáo của Đoàn giám sát thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ năm 2021-2023 đều giảm. Năm 2021 giảm từ 1% đến 1,5%, năm 2022 và dự kiến đến năm 2023 thì tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,83%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,89%, tỷ lệ nghèo ở 74 huyện nghèo đều giảm từ 4% đến 5%.
Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng đây là thành tích rất lớn trong điều kiện đất nước ta vừa bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 và tác động nhiều mặt bất lợi của tình hình thế giới đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu của quốc gia.
Theo đại biểu Trần Đức Thuận, kết quả đạt được trên đây là thành tích chung của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Chúng ta ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, chủ động của nhiều địa phương; sự đồng sức, đồng lòng, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua.
"Khi Quốc hội đang họp để bàn về những chủ trương, giải pháp thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thì ngoài kia cũng đang có hàng trăm, hàng ngàn người công khai hoặc âm thầm lặng lẽ giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, hoạn nạn, một bát cháo, một chiếc bánh mì cho bệnh nhân nghèo, một vài trăm nghìn đồng cho người không may gặp hoạn nạn, khó khăn hay có doanh nghiệp, "mạnh thường quân" chi hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ xây dựng nhà cho người nghèo, xây cầu, trường học cho những vùng khó khăn, thành lập quỹ để chữa bệnh cho người nghèo.
Hành động cao đẹp đó chính là kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Các nhà hảo tâm họ làm không vì họ muốn được vinh danh, họ làm vì trách nhiệm của người công dân, họ làm như là bổn phận của mình đối với những mảnh đời khó khăn, thiếu thốn, họ làm vì họ thấy mình được may mắn nên cần phải giúp đỡ những người không may mắn khác.
Tôi đề nghị Quốc hội ghi nhận, Chính phủ phát hiện để tôn vinh họ, chính họ là những người đã góp phần thực tích cực trong thực hiện các mục tiêu của chương trình xóa đói giảm nghèo của đất nước ta trong thời gian qua, cũng như giảm nghèo bền vững hiện nay", đại biểu bày tỏ.
Nắm bắt các vướng mắc từ thực tiễn để có giải pháp khơi thông đầu tư kịp thời, có hiệu quả
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Trần Đức Thuận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua còn có nhiều nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng.
Đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân ở nhiều dự án, tiểu dự án còn thấp, có nhiều dự án chưa được giải ngân. Việc chậm giải ngân không chỉ gây lãng phí về tiền bạc vì đầu tư không kịp thời, mà quan trọng là các mục tiêu dự án tốt đẹp dành cho người nghèo của Đảng và Nhà nước chưa kịp thời đến với người nghèo.
Theo đại biểu, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chưa được kịp thời; vai trò của Ban chỉ đạo chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia hoạt động chưa thực sự hiệu quả; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vướng mắc phát sinh chưa chủ động, kịp thời; cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, còn có hạn chế về năng lực tham mưu; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có giảm nghèo bền vững vẫn còn.
Đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề tồn tại, Quốc hội cần phải đánh giá kỹ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Chính phủ cũng như các địa phương cần có giải pháp thực hiện hiệu quả khắc phục trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, cùng với 5 giải pháp mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng cần bổ sung và nhấn mạnh thêm một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ động rà soát, nắm bắt các vướng mắc từ thực tiễn để có giải pháp khơi thông đầu tư kịp thời, có hiệu quả.
Hai là, bên cạnh đầu tư sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, tiếp tục vận động cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực đóng góp nguồn lực để thực hiện các mục tiêu. Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn xã hội đóng góp.
"Tôi lấy ví dụ như ở Nghệ An, theo dự kiến năm 2023 đến năm 2025 Nghệ An có khoảng gần 15.000 hộ gia đình nghèo cần phải hỗ trợ xây dựng nhà. Chỉ có 9 tháng phát động, Nghệ An đã huy động được nguồn lực đóng góp xây dựng được gần 6.000 căn nhà cho người nghèo", đại biểu cho biết.
Ba là, phát động rộng rãi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau giảm nghèo, có thể tỉnh giàu giúp cho một tỉnh nghèo, huyện giàu giúp cho một huyện nghèo, xã giàu giúp cho một xã nghèo, gia đình giàu giúp cho một gia đình nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm cho người nghèo, nghiên cứu các giải pháp để tạo việc làm cho người nghèo tại địa phương, áp dụng các công cụ kinh tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư như miễn thuế, phí, tiền thuê sử dụng đất. Giải quyết hợp lý bài toán con cá vẫn cần cần câu, trước khi nghĩ đến việc làm cho người nghèo cần phải quan tâm đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người nghèo, như hỗ trợ về chỗ ở, về sức khỏe và đảm bảo việc học hành.
Bốn là, theo tổng hợp ý kiến của các địa phương về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương có đề nghị từ năm 2024 trở đi, Trung ương nên giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Giao cho địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết cho từng dự án, thành phần, lĩnh vực chi để tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao hàng năm. Đồng thời có cơ chế để ràng buộc trách nhiệm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của địa phương. Để tránh thất thoát, lãng phí không hiệu quả dẫn đến tiêu cực.