Phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành các sản phẩm văn hóa tiêu biểu để quảng bá ra quốc tế
Ngày 1/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Tránh để việc tu bổ, tôn tạo thành làm mới di tích
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận thấy, dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 đã được chỉnh sửa, tiếp thu một cách khoa học những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tại kỳ họp thứ 7.
Cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến liên quan đến các mục tiêu cụ thể.
Thứ nhất, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích), 70% di tích cấp quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt, 80% các di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ hơn về những con số cụ thể này.
Theo đại biểu, các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với đặc điểm là vật liệu xây dựng là gỗ, vôi vữa, trải qua nhiều năm với sự tác động của khí hậu, thời gian, chiến tranh và cả của con người nên đa số đã xuống cấp cần tu bổ và tôn tạo.
Tuy nhiên, không phải tất cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ. Hơn thế nữa, trong nhiều năm qua Bộ VHTTDL, các địa phương cũng đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích nên nhiều di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt đã được tu bổ, tôn tạo.
Đặc biệt giai đoạn 2012-2015, chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với mục tiêu hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho 1200 đến 1500 di tích quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 cũng đã thực hiện chống xuống cấp, tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ cấp thiết khoảng 400 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, sau đó các địa phương và Bộ VHTTDL hàng năm vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích.
Như vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay không phải tất cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần trùng tu, tôn tạo. Cho nên nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến hai lo ngại sau.
Một là, việc tu bổ, tôn tạo triệt để như vậy có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ, lợi bất cập hại ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành làm mới di tích như đã từng xảy ra ở một số địa phương.
Thứ hai, việc phân bổ nguồn lực như vậy là dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm. Cho nên đại biểu đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đã xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo và các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo. Như vậy có thể sẽ hợp lý hơn.
Góp ý vào mục tiêu số 5 trong dự thảo là đến năm 2030 phấn đấu 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại biểu cho rằng khái niệm các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn còn chưa rõ nội hàm, nên đề nghị sửa thành "các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật".
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, đại biểu nhất trí việc chuyển đổi số và các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là lĩnh vực rất rộng lớn với nhiều ứng dụng và nhiều cấp độ cho nhiều hoạt động khác nhau. Cho nên, đại biểu đề nghị cần xác định cụ thể các chỉ tiêu hơn nữa.
Nội dung thứ ba, đại biểu bày tỏ băn khoăn trong nội dung thành phần phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, dự thảo chương trình có đề ra chỉ tiêu là phấn đấu hằng năm 80% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng cần phải xem xét lại chỉ tiêu này .
Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ 4 "bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc", có đưa ra chỉ tiêu 80% các tỉnh nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình bảo tàng sinh thái nếu khả thi tại các địa phương có giá trị văn hóa đặc trưng để bảo vệ, phát huy toàn bộ đời sống văn hóa cộng đồng. Đại biểu cho rằng khi đưa ra con số cụ thể là 80% các tỉnh triển khai hoạt động trên nhưng lại gắn với cụm từ "nếu khả thi" khiến cho số liệu cụ thể này không còn ý nghĩa nữa nên đề nghị xem xét lại nội dung chi tiết của chỉ tiêu này.
Hình thành các sản phẩm văn hóa tiêu biểu để quảng bá và giới thiệu ra quốc tế
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nhận thấy cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh nhiều vấn đề, góp ý tại kỳ họp thứ 7 và bổ sung nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Trong đó, có việc không chuyển dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2025-2030 vào chương trình.
Đại biểu đồng tình với những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của các giai đoạn trong chương trình để phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh của con người và xã hội Việt Nam.
Về kinh phí thực hiện chương trình, đại biểu cho rằng dự toán gần 250.000 tỷ chia làm 2 giai đoạn là phù hợp. Bởi những nhiệm vụ có yêu cầu rất cao, thậm chí có những nhiệm vụ đòi hỏi phải đạt 100%, chưa kể các mục tiêu và nhiệm vụ khác cũng có yêu cầu giải ngân cao.
Về đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu bày tỏ thống nhất bởi vấn đề này nằm ngoài quy định của Luật Đầu tư công.
"Việc xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. Tôi thấy Hàn Quốc vẫn có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để họ giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa của họ tại đất nước mình, tại sao chúng ta lại không làm như thế này ở nước ngoài", đại biểu nêu ý kiến.
Từ những vấn đề còn băn khoăn, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề như sau:
Một là đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chưa được đưa vào chương trình. Có thể để trong mục tiêu cụ thể của các giai đoạn nhằm tập trung nguồn lực để kịp thời phát hiện, bảo tồn và phát huy các di tích, di sản đang lưu hành trong nhân gian.
Thứ hai, tại mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm mục tiêu 2, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể thao, bảo tàng, thư viện.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm về tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Bởi vì hiện nay nhiều địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn nên khó đáp ứng được việc đối ứng với chương trình.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng về nguyên tắc, cơ chế phân bổ cũng như khả năng đối ứng linh hoạt hơn để nhằm hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách.
"Cuối cùng, tôi kỳ vọng vào chương trình rất nhiều. Nếu chúng ta triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu cũng như các nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn thì sẽ phát triển được ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc tìm kiếm, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc để hình thành các sản phẩm tiêu biểu để quảng bá và giới thiệu ra quốc tế", đại biểu kỳ vọng.