Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội
Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2030. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về KHCN; tập trung ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển hoạt động KHCN và ĐMST trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới.
Nhiều kết quả quan trọng
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, địa phương đã và đang triển khai Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST theo định hướng của Chính phủ. Theo Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 30/6/2023, tỉnh đã có những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng điểm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm cải thiện chất lượng và năng suất nông sản. Các chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ canh tác không đất, ứng dụng thiết bị cảm biến vào hệ thống tưới tiêu tự động giúp cải thiện đáng kể năng suất và giảm thiểu chi phí.
Từ năm 2020 - 2023, tỉnh đã thực hiện hơn 300 dự án KHCN cấp tỉnh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến thực phẩm và phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, các cuộc hội thảo, tọa đàm về KHCN cũng được tổ chức thường xuyên, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Điều này giúp nâng cao nhận thức và trình độ KHCN trong cộng đồng.
Thời gian qua, đánh dấu nhiều bước tiến trong lĩnh vực ứng dụng KHCN tại Đồng Tháp. Ước tính giá trị gia tăng từ các hoạt động KHCN đã góp phần gia tăng 10 - 15% hiệu quả sản xuất trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, nhờ việc áp dụng các giống cây trồng và công nghệ mới, sản lượng lúa của Đồng Tháp tăng 12% so với năm 2021...
Theo Sở Công thương Đồng Tháp, những năm qua, việc ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành công thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông sản, giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Điển hình là các sản phẩm nông sản, thủy sản có thế mạnh của tỉnh như gạo, cá tra, xoài và sen đã ứng dụng công nghệ vào chế biến chuyên sâu, đem lại hiệu quả và có giá trị gia tăng cao như: collagen, dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm chiết xuất từ sen, trái cây sấy, các sản phẩm ăn liền từ gạo...
Đồng Tháp là một trong những địa phương tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số làm trụ cột. Trong đó, trong xây dựng và phát triển chính quyền số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2024; Kế hoạch thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Phát triển kinh tế số, thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách và các hoạt động cụ thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số; quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Về phát triển xã hội số, tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể, toàn tỉnh có hơn 4.400 trạm thu phát sóng thông tin di động, hơn 83% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định, hơn 1,9 triệu thuê bao điện thoại cố định và di động, hơn 1,4 triệu thuê bao internet...
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp chia sẻ: “Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, thời gian qua, đơn vị luôn nỗ lực tập hợp và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Đặc biệt, đơn vị tập trung phổ biến tri thức KHCN, tư vấn có hiệu quả về những vấn đề kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 50/KH-LHH-SKHCN ngày 13/12/2019 giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 - 2024; tổ chức tốt Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Qua đó, có nhiều mô hình, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội...”.
Tiếp tục phát triển KHCN và ĐMST
Thạc sĩ Hồ Ngọc Châu - Trường Đại học Đà Lạt cho rằng: “Để triển khai, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN và ĐMST, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần xác định đúng đắn vai trò, tầm quan trọng của phát triển KHCN và ĐMST trong phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, ưu tiên và tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển mạnh mẽ KHCN và ĐMST tại Đồng Tháp; triển khai các chính sách thúc đẩy hơn nữa sự phối, kết hợp giữa Nhà nước và xã hội, giữa nhà khoa học với nhà quản lý và doanh nghiệp trong phát triển KHCN và ĐMST đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách về phát triển KHCN và ĐMST; không ngừng cải tiến công tác quản lý cấp tỉnh về KHCN, thực hiện tốt công tác quản lý KHCN và ĐMST tại tỉnh Đồng Tháp...
Thạc sĩ Nguyễn Tất Trường - Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, tạo ra nhiều bước chuyển, thay đổi đột phá về công nghệ, tác động mạnh mẽ đến tình hình việc làm, sản xuất, chất lượng cuộc sống và các quan hệ chính trị - xã hội, đòi hỏi tỉnh Đồng Tháp phải chú trọng, phát triển nguồn nhân lực KHCN để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển KHCN trên cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Mặt khác, xác định đúng vị trí, vai trò của việc phát triển nguồn nhân lực KHCN đối với sự phát triển; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các trung tâm đào tạo chất lượng cao gắn với đổi mới, phát triển các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi về hệ thống cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu quốc tế đến liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài, chuyển giao công nghệ...”.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp cần triển khai công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về KHCN cho các tổ chức, cá nhân; ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư nhằm tạo bước đột phá để phát triển nhanh nền kinh tế dựa trên năng suất lao động, tiến bộ KHCN và ĐMST. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN phải gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên các đề tài, dự án phục vụ các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, nhất là Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người nông dân đầu tư đổi mới thiết bị KHCN tiên tiến; tăng cường ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất và chế biến nông sản.
Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học; chủ động phối hợp với các viện, trường nghiên cứu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.