Phát triển kinh tế ở xã Định Liên
Từ một địa phương thuần nông lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển, những năm gần đây, xã Định Liên (Yên Định) đã khơi dậy được tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế đa ngành, đưa thu nhập bình quân đầu người lên hơn 50 triệu đồng/năm. Xã vùng nông thôn này còn thu hút được 47 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo hàng nghìn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trong xã và các địa phương lân cận.
Các công ty may, giày da trên địa bàn xã Định Liên đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Trong lĩnh vực trồng trọt, từ hơn 10 năm qua, Định Liên đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, nhiều vùng cây trồng mang tính chuyên canh cao vẫn được duy trì. Gần 26,5 diện tích đất bãi ven sông của xã đã trở thành vùng trồng mía theo hướng công nghệ cao. Hằng năm, diện tích trồng ớt xuất khẩu đều được duy trì hơn 51 ha ở cả vụ đông và vụ xuân, đều được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao từ 40 ha những năm trước, nay cũng được xã mở rộng lên 100 ha với năng suất lúa bình quân những vụ gần đây đạt 7,6 tấn/ha. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm lúa gạo địa phương, nhiều giống lúa mới như J02, TBR 225 đã được đưa vào trồng đại trà. Trên các cánh đồng màu, nhiều diện tích ngô, rau màu giá trị cao được tập trung phát triển... Từ đó, giá trị canh tác mỗi héc–ta của xã liên tục tăng: năm 2020 đạt 120 triệu đồng/ha/năm, năm 2021 đạt 145 triệu đồng/ha/năm, năm 2022 dự kiến trên dưới 160 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những địa phương có giá trị sản xuất/ha canh tác thuộc hàng cao của tỉnh.
Vai trò của HTX được phát huy với HTX dịch vụ nông nghiệp Định Liên được thành lập từ năm 2001, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai các dịch vụ nông nghiệp tại xã như: tưới tiêu, bảo vệ thực vật, cung ứng giống cây trồng và nhất là vai trò liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các vùng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. HTX chính là cầu nối quan trọng giữa nông dân với các công ty giống cây trồng tại miền Bắc để hình thành các vùng chuyên canh hạt giống như ngô, giống lúa lai... Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã tập trung khuyến khích các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Hiện trên địa bàn xã có 53 trang trại, gia trại tổng hợp và 51 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh về quy mô nhờ công tác phòng, chống dịch bệnh khá tốt. Hoạt động chăn nuôi được tập trung ra các khu đồng xa dân cư, những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ cũng được yêu cầu xây dựng hệ thống biogas và thu gom chất thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh.
Phong trào thi đua sản xuất để phát triển kinh tế chung tại xã còn được phát động qua kênh các đoàn thể địa phương như: cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ... định kỳ hàng năm. Mỗi chương trình phát động, đều có hàng chục đến hàng trăm hội viên của các tổ chức tham gia, nhiều gia đình trong số đó đều đạt gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tại huyện Yên Định nói riêng và khu vực đồng bằng của tỉnh nói chung, Định Liên được coi là điển hình trong thu hút doanh nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và ngành nghề nông thôn. Đến nay, trên địa bàn xã có 47 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Điển hình nhất là Công ty TNHH Giày ALENA Việt Nam đóng trên địa bàn xã hiện đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Các công ty may mặc, giày da hoạt động, kéo theo sự phát triển nhanh của các hoạt động dịch vụ để phục vụ công nhân. Tận dụng lợi thế có tuyến Quốc lộ 45 chạy qua và có cụm công nghiệp, Nhân dân địa phương đã phát triển 345 cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ dân.
Phong trào xuất khẩu lao động cũng được coi là kênh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập quan trọng cho người dân, được xã Định Liên quan tâm và khuyến khích. Hàng năm, chính quyền xã đều phối hợp với các công ty, tổ chức giới thiệu các thị trường tiềm năng, đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động. Số lượng công dân đang lao động ở nước ngoài luôn duy trì hàng chục người, thời điểm hiện tại là 54 người đang làm việc tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao (Trung Quốc)...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-o-xa-dinh-lien/158895.htm