Phát triển kinh tế vườn bằng mô hình vườn mẫu

Thực hiện Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 8/8/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, các địa phương và ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình vườn mẫu nhằm phát triển kinh tế vườn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế vườn của nhiều hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, đây cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn. Theo đó, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật xây dựng vườn mẫu bài bản, hiệu quả.

Phát triển vườn cam chuyên canh ở xã Cam Hiếu, Cam Lộ - Ảnh: T.C.L

Phát triển vườn cam chuyên canh ở xã Cam Hiếu, Cam Lộ - Ảnh: T.C.L

Là một vùng bán sơn địa, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị có diện tích đất vườn khá rộng, nhiều hộ có diện tích vườn vài sào, có hộ đến gần một héc ta, nhưng từ trước đến nay người dân phần lớn trồng nhiều loại cây trong một vườn như chuối, mít, ổi, xoài, chè... xen kẽ nhau với mục đích chủ yếu là phục vụ nhu cầu của gia đình, hiệu quả không cao, không có giá trị hàng hóa.

Thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp của thị xã Quảng Trị gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã Hải Lệ chỉ đạo người dân triển khai cải tạo vườn tạp, phối hợp với các đơn vị chuyên môn về hướng dẫn người dân xây dựng vườn mẫu.

Các hộ có quy mô diện tích từ 500 m2 trở lên là đủ điều kiện để xây dựng vườn mẫu, vườn gắn liền với hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình liền kề nhau thì tạo điều kiện để dễ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khi xây dựng vườn, xây dựng hệ thống tưới tiêu khoa học.

Yêu cầu các hộ xây dựng vườn mẫu phải áp dụng ít nhất 1 tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản phẩm từ vườn mẫu đạt sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm. Môi trường cảnh quan có hàng rào cây xanh hoặc hàng rào bê tông, kim loại, vườn đạt mỹ quan sạch, đẹp.

Mô hình xây dựng vườn mẫu tại Hải Lệ được thực hiện theo quy mô hộ gia đình và nhóm hộ gia đình liên kết sản xuất ở HTX Như Lệ, Tích Tường với tổng số hộ tham gia mô hình là 13 hộ, diện tích 2 ha.

Khi bắt tay vào xây dựng vườn mẫu, các hộ tiến hành thiết kế lại vườn, trồng chuyên canh để tạo sản phẩm hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo sản phẩm sạch. Đến nay, các hộ tham gia mô hình có vườn cây thiết kế đẹp, áp dụng hệ thống tưới tiêu khoa học, diện tích vườn cây khá rộng như các hộ: Ngô Thị Lài 5 sào, Nguyễn Trí Minh 8 sào, Hồ Phiên 10 sào, Hồ Châu 2 sào, Hồ Sanh 2 sào...

Hiện các vườn mẫu đã xây dựng được trên 3 năm với cây trồng chủ đạo là bưởi da xanh và cam sành, cây sinh trưởng tốt, một số vườn đã cho quả bói. Vườn bưởi da xanh sau 3 năm đang dần khép tán, chiều cao cây đạt 2,5-3 m.

Giống bưởi da xanh tiêu chuẩn là các giống cây ghép, giống có nguồn gốc xuất xứ đạt TCVN 9302:2013. Cây ghép có bộ lá khỏe, xanh tốt, không có vết bệnh. Thân cây thẳng, vững chắc, vết ghép liền và tiếp hợp tốt.

Thiết kế vườn với khoảng cách trồng đối với bưởi da xanh là 5 x 5 m tương đương 20 cây/sào (400 cây/ha); đối với cam sành 3,5 x 4 m tương đương 36 cây/sào (720 cây/ha). Hiện giống bưởi da xanh thể hiện tính thích nghi với đất đai, khí hậu ở Hải Lệ, sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh, số lộc ra 4-6 đợt/năm.

Bưởi da xanh ra hoa từ tháng 1 dương lịch và khoảng tháng 7, 8 là thu hoạch. Trái dạng tròn dài, da xanh đậm, vỏ mỏng, ruột hồng, tép bưởi đẹp ráo nước, không hạt hoặc ít hạt và vị ngọt thanh. Trọng lượng trái đạt 1,2-1,5 kg. Giống cam sành sinh trưởng khá, giai đoạn mới trồng có bị sâu vẽ bùa gây hại lá và đọt non. Các hộ đã phòng trừ nghiêm ngặt bảo vệ lộc non nên đến nay cây phát triển tốt, chiều cao cây 1,8 -2 m.

Trong quá trình xây dựng vườn mẫu ở Hải Lệ, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thị xã Quảng Trị luôn đồng hành với nông dân từ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến cách xử lý, ủ phân hữu cơ, xử lý hoa, quả bói...

Hiện cây sắp hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, tốc độ sinh trưởng thân lá mạnh, nhu cầu dinh dưỡng cao và có sâu bệnh gây hại. Cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thị xã hướng dẫn người chăm sóc đầy đủ và phòng trừ sâu bệnh trên vườn cây hiệu quả.

Thực hiện bón phân 4 lần/năm nhằm kích thích các đợt ra lộc theo mùa, tưới nước cho cây mùa khô hạn, phòng trừ sâu vẽ bùa, rầy, rệp gây hại các đợt lộc non. Cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn nông dân kỹ thuật tỉa cành tạo tán đẹp đều cho cây trong 3 năm đầu chu kỳ kiến thiết cơ bản để bước vào thời kỳ thu trái.

Từ thân chính chỉ để 3 cành cấp 1 so le về các phía của cây, khi cành cấp 1 dài 30 cm bấm ngọn để tạo ra 2-3 cành cấp 2 phân đều các hướng, tiếp tục chăm sóc để cây bật lộc và phát triển cành cấp 3, cấp 4 cho tán cây tròn đều.

Thường xuyên cắt bỏ những cành tăm, cành vượt, chồi thấp, mọc ở gốc ghép. Khoảng sau 5 năm cam và bưởi da xanh ở vườn mẫu sẽ cho năng suất ổn định (dự kiến 1-1,5 tấn/sào), cho thu nhập 15-20 triệu đồng/sào.

Ngoài các vườn mẫu trồng bưởi da xanh và cam sành, có một số hộ chọn trồng mít, ổi, xoài, nhãn... đều theo hướng sản xuất hàng hóa cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình cách chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... nên các vườn cây đều phát triển tốt.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: việc hướng dẫn nông dân xây dựng vườn mẫu đang tiến triển tốt.

Thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo cảnh quan đẹp trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình vườn mẫu đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh để tạo ra sản phẩm hàng hóa, là một trong những nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-trien-kinh-te-vuon-bang-mo-hinh-vuon-mau-186842.htm