Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực

Triển khai Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sản phẩm nem chua của cơ sở sản xuất Phước Duyên, xã Phượng Vĩ được công nhận chuẩn OCOP 3 sao.

Sản phẩm nem chua của cơ sở sản xuất Phước Duyên, xã Phượng Vĩ được công nhận chuẩn OCOP 3 sao.

Thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra thực trạng sản xuất, kinh doanh, khả năng phát triển sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; triển khai cho các chủ thể đăng ký tham gia... trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai cụ thể theo từng năm. Đặc biệt, huyện triển khai, tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Trong năm 2023, Cẩm Khê thực hiện hỗ trợ kinh phí trên 600 triệu đồng in bao bì, tem nhãn, trang bị máy móc, thiết bị cho các chủ thể tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm...Tính đến nay, Cẩm Khê có 27 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao ở 14 xã, thị trấn của 18 chủ thể.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông sản, truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, Cẩm Khê quan tâm phát triển, chú trọng quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ ở nhiều tỉnh, thành trong nước, thêm cơ hội để các chủ thể OCOP tiếp cận với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xúc tiến bán hàng. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP của huyện đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Nổi bật như: Trà Đá Hen (Đồng Lương), măng tây xanh Bắc Bộ (Chương Xá), bánh chưng Đất Tổ (Hùng Việt), nem chua Phước Duyên (Phượng Vĩ), nón lá Sai Nga (thị trấn Cẩm Khê)...

Có thể khẳng định, thông qua Chương trình OCOP, các chủ thể đã chú trọng, quan tâm hơn đến nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng hình ảnh, mẫu mã bao bì để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Đồng chí Nguyễn Hải Sơn - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến các chủ thể trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị kinh tế. Thực tế, sau khi được công nhận OCOP, 80% chủ thể tăng quy mô sản xuất về số lượng sản phẩm, tạo việc làm thêm cho 20% lao động. Nổi bật, 100% sản phẩm OCOP có giá bán cao hơn, mức tăng bình quân về quy mô doanh thu của các chủ thể sau khi sản phẩm được công nhận OCOP đạt 25%, 80% chủ thể sản xuất mở được kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, bán hàng online qua mạng xã hội...).

Sản phẩm nem chua của cơ sở sản xuất Phước Duyên, xã Phượng Vĩ đạt OCOP 3 sao từ năm 2023. Dù đã sản xuất trước đó 5 năm nhưng đến khi được công nhận sản phẩm OCOP, nem chua của cơ sở mới được đông đảo người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sử dụng. Anh Dương Văn Phước, chủ cơ sở cho biết: “Được công nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi đầu tư xây dựng quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác được chú trọng hơn nên thuận lợi tạo dựng thương hiệu trên thị trường, sức tiêu thụ tăng lên, quy mô sản xuất mở rộng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán từ 2.000 - 3.000 cái nem chua, tạo việc làm cho 7 - 8 lao động thường xuyên và 10 - 12 lao động thời vụ với thu nhập ổn định, thị trường được mở rộng trên quy mô cả nước. Doanh thu nâng lên đáng kể, sau khi trừ chi phí, cơ sở thu lãi trên 350 triệu đồng/năm.

Năm 2024, Cẩm Khê xây dựng thêm 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đánh giá mới. Hoàn thành mục tiêu kế hoạch, huyện tập trung vào các nhóm giải pháp chính là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về tổ chức phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; tăng cường hỗ trợ các chủ thể; quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại... Huyện tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh, huyện khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm tốt công tác huy động nguồn lực từ cộng đồng, các HTX, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất...

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-trien-san-pham-ocop-tu-the-manh-chu-luc-213579.htm