Phát triển truyện tranh Việt Nam: Vẫn còn những rào cản

Sau chặng đường khá dài, dù truyện tranh Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, có chỗ đứng nhất định trong ngành xuất bản nhưng nhiều ý kiến cho rằng, truyện tranh Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với nhu cầu, tiềm năng hiện có.

Vẫn còn những "rào cản"

Truyện tranh là một lĩnh vực của công nghiệp hình ảnh đã có nhiều đóng góp với công nghiệp văn hóa. Trên thế giới, trong gần 100 năm qua, thị trường xuất bản truyện tranh ở các nước đã và đang phát triển với nhiều thành tựu lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... Tại những quốc gia này, xuất bản truyện tranh trở thành một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao.

Nhân vật trong "Thần đồng Đất Việt " gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả Việt

Nhân vật trong "Thần đồng Đất Việt " gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả Việt

Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường truyện tranh Việt cũng đang có xu hướng nở rộ, Trưởng Ban biên tập truyện tranh (Nhà xuất bản Kim Đồng) Đặng Cao Cường cho biết: "Không được bùng nổ bằng truyện tranh Nhật Bản, nhưng truyện tranh Việt Nam đến nay vẫn có chỗ đứng nhất định tại thị trường nước nhà. Một số tác phẩm trở thành những tượng đài truyện tranh như: Thần đồng đất Việt, Tý Quậy, Dũng sĩ Hesman... Những năm gần đây, cũng có hàng loạt bộ truyện tranh "made in Việt Nam" nổi tiếng như: Thỏ bảy màu, Lớp học mật ngữ, Mèo mốc… Đây là những tác phẩm đã và đang gặt hái được nhiều thành công, khi những nhân vật trong truyện đã sống được với cuộc sống của nó, phát triển theo một hệ sinh thái và được chuyển thể sang nhiều lĩnh vực khác nhau như: phim hoạt hình, sản phẩm lưu niệm….

Bên cạnh đó, một điều nữa cho thấy truyện tranh của Việt Nam trong thời gian qua đang rất nở rộ đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các lực lượng tác giả trẻ và chúng ta cũng đang có một cộng đồng độc giả đón nhận, yêu mến tác phẩm truyện tranh thuần Việt".

"Đặc biệt, ngành truyện tranh Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể với sự xuất hiện của nhiều hãng xuất bản lớn đầu tư vào sản xuất và quảng bá truyện tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả và nghệ sĩ truyện tranh. Mặt khác còn có các nền tảng truyện tranh trực tuyến với nhiều đội ngũ chuyên nghiệp như Comicola, Vinatoon,... cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường truyện tranh trong nước" – ông Đặng Cao Cường nói.

Tuy nhiên, sau chặng đường khá dài, dù truyện tranh Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, có chỗ đứng nhất định trong ngành xuất bản nhưng nhiều ý kiến cho rằng, truyện tranh Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng nhu cầu, tiềm năng hiện có.

Truyện tranh Tý quậy - bộ truyện tranh được đông đảo độc giả quan tâm

Truyện tranh Tý quậy - bộ truyện tranh được đông đảo độc giả quan tâm

Ông Đặng Cao Cường cho biết: "Những thành tựu chúng ta vừa kể đến mới chỉ là một "điểm sáng" nhỏ của thị trường truyện tranh Việt Nam, nếu xét góc độ so với một ngành công nghiệp, thì so với thế giới, chúng ta vẫn còn đang rất yếu thế. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn thiếu những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, ở đây cơ sở đào tạo không chỉ đào tạo họa sĩ mà còn phải đào tạo cả những người làm kịch bản. Bởi, có những nhóm tác giả truyện tranh khi họ cộng tác với nhau mỗi người chỉ tập trung làm một công việc nhất định như: viết kịch bản, vẽ tranh, phác họa màu… Nên vậy, một tác phẩm có đi được đường dài hay không phụ thuộc rất nhiều vào người viết kịch bản. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo ở Việt Nam vẫn chưa đào tạo đồng đều giữa người viết kịch bản và họa sĩ vẽ tranh. Đây không chỉ vấn đề của riêng lĩnh vực truyện tranh mà ở lĩnh vực điện ảnh cũng đang gặp tình trạng tương tự.

Đồng thời, chính tác giả cũng chưa xác định được những con đường dài cho mình, họ sáng tác theo cảm hứng nên các tác phẩm thường không có lộ trình nhất định. Vì vậy, có những tác phẩm mở đầu rất hay nhưng về sau lại "đuối", thậm chí có những tác giả không hoàn thành được tác phẩm của mình. Cùng với đó, hiện nay, chúng ta vẫn đang thiếu những cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các tác giả sáng tác truyện tranh".

Cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu truyện tranh Nguyễn Anh Tuấn (bút danh Chukim) cho rằng, vấn đề bản quyền ở Việt Nam cũng là một trong những "rào cản" khiến cho truyện tranh khó phát triển. Ngày nay, thói quen tiếp cận sản phẩm truyện tranh đã khác, thói quen của họ là đọc truyện tranh trực tuyến qua các nguồn, trong đó có cả trang web "lậu". Điều này, không chỉ ảnh hưởng tới các tác giả, nhà xuất bản mà còn tác động tới sự phát triển của ngành truyện tranh Việt Nam.

"Mở lối" để truyện tranh Việt phát triển

Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới với truyện tranh Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để có thể thúc đẩy phát triển truyện tranh trong thời gian tới, bên cạnh giải quyết vấn đề bản quyền, xử lý vấn đề đọc truyện "lậu" của độc giả thì chúng ta cũng cần phải phải thay đổi tư duy rằng thể loại truyện tranh chỉ dành cho trẻ em. Nếu cứ mặc định như thế, loại hình này sẽ gặp rất nhiều rào cản.

Truyên tranh Thỏ bảy màu cũng được đông đảo độc giả yêu thích trong những năm qua

Truyên tranh Thỏ bảy màu cũng được đông đảo độc giả yêu thích trong những năm qua

Trong khi đó, ông Đặng Cao Cường cho rằng, quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em đã thay đổi nhiều. Truyện tranh tiếp tục phát triển, phục vụ nhu cầu của độc giả nhiều hơn, không ít tác phẩm dành cho độc giả lớn tuổi hơn đã được xuất bản tại Việt Nam. Nên vậy, để lĩnh vực này phát triển, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của bạn đọc về vấn đề bản quyền. Khi đó, các đơn vị xuất bản và tác giả có nhiều cơ hội đem đến các tác phẩm chất lượng tốt hơn. Hiện nay có các nhà xuất bản nước ngoài cũng phát hành ứng dụng đưa một số bộ truyện tranh giới thiệu miễn phí chương đầu tiên và chương mới nhất. Họ nương theo thói quen của bạn đọc và khuyến khích họ đọc sách có bản quyền, tạo sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Nhà nước cũng cần phải có những chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, tăng cường các chương trình trao đổi với nước ngoài, tổ chức nhiều trại sáng tác, cuộc thi hơn nữa. Bởi, đây chính là những nơi để tìm ra được những tác giả truyện tranh tiềm năng để tiếp đào tạo. Đồng thời, các tác giả truyện tranh khi sáng tác cũng cần phải phát triển nhân vật theo một hệ sinh thái, tạo dựng một đời sống cho nhân vật để sau đó có thể phát triển nhân vật không chỉ trong truyện tranh mà còn trên nhiều sản phẩm khác như: điện ảnh, quần áo, đồ lưu niệm…

Lớp học mật ngữ - bộ truyện tranh thú vị dành cho độc giả tuổi teen

Lớp học mật ngữ - bộ truyện tranh thú vị dành cho độc giả tuổi teen

"Đặc biệt, cần phải nâng cao vai trò của biên tập viên bởi họ chính là người đồng hành với tác giả để đưa tác phẩm lên một tầm cao mới. Ví dụ như biên tập viên nước ngoài, khi cảm thấy tác phẩm đang có sự "tụt dốc", họ sẽ can thiệp, tác động để tạo ra một "cú hích" cho tác phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, vai trò của biên tập viên có phần yếu thế hơn, tác giả sẽ là người quyết định toàn bộ cốt truyện mà không cho ai can thiệp" – ông Đặng Cao Cường chia sẻ thêm./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-trien-truyen-tranh-viet-nam-van-con-nhung-rao-can-20241018165007042.htm