Phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn gây nên. Bệnh thường do Rota virus, các vi khuẩn, như: E.Coli, tụ cầu, thương hàn, tả, lỵ và nhiều vi khuẩn, ký sinh khuẩn khác có trong phân bị lây nhiễm vào thức ăn, nước uống, dụng cụ và bàn tay người chăm sóc trẻ. Đặc biệt, trong thời tiết giao mùa, trẻ em càng dễ mắc phải.

1. Biểu hiện:

- Bệnh tiêu chảy cấp có biểu hiện đi ngoài 3 lần trở lên trong 1 ngày, phân nát không thành khuôn, kèm theo sốt hoặc đau bụng và nhiều triệu trứng khác. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số trường hợp bệnh hồi phục tốt nếu được chăm sóc đúng cách, ngược lại bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong.

- Tiêu chảy gồm 2 loại: Tiêu chảy cấp xảy ra đột ngột, nhưng chỉ kéo dài vài ngày có khi tới hơn 1 tuần, nhưng không quá 2 tuần. Tiêu chảy mạn tính, là tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần, 1 tháng, có khi lâu hơn nữa, có ngày tiêu chảy ít, có ngày tiêu chảy nhiều, có ngày tưởng như khỏi bệnh nhưng lại tái phát ngay. Loại tiêu chảy mạn tính ít gặp hơn tiêu chảy cấp tính.

2. Nguyên nhân gây tiêu chảy:

Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ thường do Rota virus, các vi khuẩn, như: E.Coli, tụ cầu, thương hàn, tả, lỵ và nhiều vi khuẩn, ký sinh khuẩn khác có trong phân bị lây nhiễm vào thức ăn, nước uống, dụng cụ và bàn tay người chăm sóc trẻ. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng vệ sinh trong giai đoạn chuyển giao mùa, khi sức đề kháng của trẻ giảm mạnh, khiến các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nên tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

3. Các biện pháp phòng, chống bệnh:

3.1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

- Rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Tránh tập trung ăn uống nơi đông người, như: Ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ.

- Hạn chế vào vùng đang có dịch.

- Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

3.2. An toàn vệ sinh thưc phẩm:

- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Không ăn rau sống, không uống nước lã.

- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua…

3.3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

- Nguồn nước sạch phải được đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.

- Tất cả nước ăn uống phải được sát khuẩn, bằng hóa chất CloraminB.

- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt xác súc vật chết xuống ao, hồ, sông, giếng.

BS HỒ THỊ MỸ HẠNH (Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-chong-benh-tieu-chay-cap-a405777.html