Phong tục đón Tết cổ truyền ở một số nước châu Á và Việt Nam

Ở Việt Nam, hái lộc đầu Xuân và lì xì là phong tục truyền thống thú vị. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, đêm GIao thừa, người Hàn sẽ không ngủ và ngày Tết, họ sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất.

Sau đây là một số phong tục thú vị trong ngày Tết của Việt Nam và một số quốc gia châu Á.

Việt Nam

Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán là dịp Tết lớn nhất trong năm. Người Việt thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua hoa, gói bánh chưng, bánh tét (miền Bắc là bánh chưng, miền Nam là bánh tét), bày mâm ngũ quả và mâm cỗ cúng gia tiên trước giao thừa. Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Người ta thường đưa lộc non về nhà vào đêm giao thừa hoặc đến đình chùa hái lộc vào sáng sớm mùng 1 Tết. Phong tục này mang ngụ ý cầu may mắn, rước lộc vào nhà và mong ước cả năm thuận lợi, phát tài phát lộc. Ngoài ra, trong dịp Tết, người Việt còn lì xì trong bao đỏ với ý nghĩa mang lại may mắn.

Hàn Quốc

Vào đêm giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm gội sạch sẽ bằng nước nóng, sau đó họ mặc trang phục truyền thống hanbok để tiến hành lễ cúng tổ tiên. Mọi người cũng thường đốt các thanh tre trong nhà nhằm xua đuổi tà ma quấy rối vào dịp này. Ngoài ra, người dân xứ kim chi cũng có phong tục không ngủ trong đêm giao thừa. Họ quan niệm nếu bạn đi ngủ vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc thiếu sáng suốt.
Trẻ em Hàn Quốc được cưng chiều nhất trong dịp Tết. Sau khi chào người lớn và chúc tết, chúng sẽ được thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tùy thuộc vào tuổi, vị trí cũng như điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình.

Trung Quốc

Tết cổ truyền Trung Quốc là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Gia đình người Hoa tề tựu và quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên. Tết cũng là dịp mà trẻ em và người già thường được tiền mừng tuổi, gọi là lì xì đựng trong bao đỏ để lấy may.

Người Trung Quốc vẫn hay mua cành đào để nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho tài lộc. Mỗi năm trong lịch lại tương ứng với một con vật, nên người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Trung Quốc còn có phong tục đốt pháo để đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo.

Tết đến, họ còn trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ và chữ Phúc ngược đề cầu may. Theo quan niệm xa xưa, chữ "Phúc" dán ngược nghĩa là “Phúc đảo”. Đây là phép chơi chữ bởi chữ “đảo" trong tiếng Hán đồng âm với chữ “đáo” và “Phúc đáo” có nghĩa là “phúc đến”. Do đó, phong tục này này mang ý nghĩa mỗi nhà sẽ có nhiều phúc lành, cát lợi và vận may trong năm mới.

Singapore

Tại Singapore, ngoài truyền thống lì xì cho người già và trẻ em, cha mẹ và những người thân đã lập gia đình thường tặng tiền lì xì đựng trong bao đỏ cho người thân chưa lập gia đình vào dịp Tết âm lịch. Phong tục này được xem là một cách cầu chúc may mắn sẽ đến với những người độc thân.

Lào

Tết đón năm mới của người Lào được gọi là Bunpimay (hay Tết “Buộc chỉ cổ tay”, lễ hội “Hốt Nậm”). Trong những ngày này, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Bởi trong tiếng Lào, lạp có nghĩa lộc, được xem như linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem món lạp chúc Tết lẫn nhau, nhà nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc.

Ngoài ra, trong ngày Tết, người Lào thường có phong tục biếu vải, biếu khăn cho người già. Ban ngày người ta đến đền chùa cầu nguyện. Buổi tối thì tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vong. Người Lào sử dụng hoa trong ngày Tết để cầu may, có hai loại hoa: hoa Muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cài trên xe, trang trí trong nhà. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành.

Nhật Bản

Từ “năm mới” ở Nhật Bản còn được gọi là Oshogatsu. Mặc dù thời gian diễn ra không giống như các nước châu Á nhưng “xứ sở anh đào” cũng có phong tục đón Tết độc đáo và có khá nhiều nét tương đồng. Ví dụ, họ cũng tin rằng linh hồn của người thân có thể về thăm nên nhà cửa luôn được lau dọn sạch sẽ. Hoặc đi lễ chùa đầu năm sau khoảnh khắc giao thừa.

Bên cạnh đó, vẫn có một số truyền thống khác biệt như trong những ngày đầu năm mới, các cô gái Nhật Bản sẽ ra ngoài đồng hái nhiều loại cây cỏ khác nhau để sau mùng 7 sẽ đem nấu với gạo thành bữa ăn đặc biệt.

Philippine

Được biết đến là một đất nước giàu tài nguyên nhưng Philippine cũng cực kỳ nổi tiếng với nhiều phong tục đón Tết độc đáo, vô cùng thú vị. Nhất là mỗi vùng miền sẽ có quan niệm khác nhau về ngày Tết, nhưng lại khá ý nghĩa.

Đa số vào ngày Tết, người dân nơi đây sẽ chọn và mua cho mình cũng như người thân trong gia đình những đồ vật có dáng dấp hoặc đan xen hình trò như áo chấm bi, quần chấm bi, quả bóng... và cả những loại hoa quả có hình tròn như cam, quýt, chanh, bưởi... Bởi theo quan niệm truyền thống, họ tin rằng tất cả mọi thứ trong năm sẽ tròn trịa và viên mãn như những đồ vật mà mình đã lựa chọn.

Thái Lan

Khác hẳn với những nước Châu Á, Thái Lan lại đón năm mới vào tháng 4 Dương lịch và Tết cổ truyền này còn có tên gọi khác là Songkran. Người dân nơi đây sẽ đón Tết bằng cách té nước vào nhau để mong gặp được sự may mắn trong năm mới. Do đó, những người được té càng nhiều nước thì càng may mắn.

Bên cạnh đó, trong dịp này, người dân Thái Lan còn nấu các món ăn truyền thống và mặc rất nhiều trang phục đẹp mắt. Cùng với đó là nhiều cuộc diễu hành hay các lễ hội khác nhau cũng được tổ chức rất nhộn nhịp.

Malaysia

Một đất nước có phong tục đón Tết độc đáo, thú vị chẳng kém ở Châu Á, đó chính là Malaysia. Do chịu ảnh hưởng từ lịch của Hồi giáo, để chuẩn bị cho Tết, người dân xứ này sẽ phải nhịn ăn vài ngày trước thời điểm chào đón năm mới. Đồng thời cũng không mua nhiều món ăn để thể hiện sự cảm thông đối với những nước nghèo đói. Có thể thấy, đây chính là quốc gia có lòng thương người nhất thế giới.

Minh An (Tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/du-lich-c-82/phong-tuc-don-tet-co-truyen-o-mot-so-nuoc-chau-a-va-viet-nam-130065.html