Phương thuốc hiệu quả ngăn ngừa tham nhũng

Kiểm soát tài sản, thu nhập của nhân viên nhà nước, chính phủ đã được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng nhằm ngăn ngừa tham nhũng, ngăn chặn sự độc quyền, lạm quyền và thao túng chính trị, bảo đảm cho nền hành chính hoạt động liêm chính. Đối với nước ta, kiểm soát tài sản, thu nhập đã được triển khai từ nhiều năm và đã góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, qua đó giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XII vừa qua.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ “Về minh bạch tài sản, thu nhập” và 2 lần sửa đổi nghị định liên quan trước đó vào năm 2007 và năm 2011 còn nặng về hình thức. Mẫu số chung của các năm là 100% người kê khai đúng hạn, đúng yêu cầu; không có hoặc có rất ít trường hợp bất thường, không trung thực phải xác minh lại. Ví dụ như giai đoạn 2006-2016, cả nước chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực; 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Năm 2018, có 1.136.902 người kê khai tài sản, thu nhập nhưng cũng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm.

Trên thực tế, kê khai tài sản, thu nhập vốn được xem là vấn đề nhạy cảm. Do việc kiểm soát, đánh giá tài sản kê khai rất phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên môn; do quy định xử lý các tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc mới chỉ dừng ở kiểm điểm và kỷ luật; đồng thời việc sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong xã hội... nên không ít cán bộ, đảng viên đã không trung thực, kê khai không đầy đủ.

Đặc biệt hiện nay, chủ nghĩa sùng bái vật chất trong nhiều cán bộ, đảng viên là căn nguyên khiến nhiều người không giữ được liêm chính, sa vào tham nhũng. Hệ lụy tất yếu sinh ra các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy tội… mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra. Việc cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son nộp lại 66 tỷ đồng trong vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) là điển hình của việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30-10-2020 của Chính phủ “Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” (thay thế Nghị định số 78/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 20-12-2020 ra đời nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tế, đã quy định rất rõ đối tượng, nội dung, thời gian, phương pháp tiến hành. Tuy nhiên, vì chưa có hướng dẫn thực hiện nên việc chưa niêm yết công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của những người thuộc diện 105 chức danh như Nghị định số 130/2020/NĐ-CP yêu cầu còn khá phổ biến.

Có thể thấy, một trong những phẩm chất cốt lõi và cần thiết nhất của cán bộ, đảng viên đó là sự trung thực. Chỉ có trung thực mới giúp cán bộ, đảng viên luôn trung thành, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Nếu cá nhân không trung thực, gương mẫu kê khai tài sản, thu nhập với Đảng, với nhân dân thì họ không xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt”. Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kê khai tài sản, thu nhập chính là bước tiến, là công cụ pháp lý để việc giám sát ấy đạt hiệu quả, giúp Đảng ta kiểm soát được quyền lực, chống lạm quyền, lộng quyền và phòng, chống tham nhũng tốt hơn.

Để việc kiểm soát tài sản, thu nhập phát huy hiệu quả và thực sự là một giải pháp mạnh trong ngăn ngừa tham nhũng thì vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng văn bản hướng dẫn để Nghị định số 130/2020/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng nội dung Nghị định số 130/2020/ NĐ-CP; cần đưa hoạt động kê khai, niêm yết công khai tài sản, thu nhập cán bộ, đảng viên vào tiêu chí để bình xét chất lượng đảng viên, đánh giá thi đua và khen thưởng.

Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, địa phương nên công khai những tập thể, cá nhân làm tốt và chỉ rõ những trường hợp có biểu hiện “né tránh”, hoặc tiến hành qua loa, đại khái công tác kê khai tài sản, thu nhập trên các phương tiện truyền thông để nhân dân giám sát.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ rất quan trọng vì thông qua đó sẽ chỉ ra được nguồn tài sản bất minh. Đặc biệt, đây là cơ sở quan trọng để nhân dân, cử tri lựa chọn đại biểu ưu tú bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong thời gian tới. Song, để Nghị định số 130/2020/NĐ-CP phát huy hiệu lực, thiết nghĩ cũng cần nghiên cứu đưa ra quy định xử lý những tài sản mà cán bộ, đảng viên có chức quyền không chứng minh được nguồn gốc. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt một cách triệt để; đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức...

Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi việc thực thi nghiêm túc. Bằng hành động quyết liệt, triệt để, dưới sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân thì việc kê khai tài sản, thu nhập chắc chắn sẽ thực sự trở thành phương thuốc hữu hiệu ngăn ngừa tham nhũng.

Mạnh Thắng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/991762/phuong-thuoc-hieu-qua-ngan-ngua-tham-nhung