Quản lý chất thải tại doanh nghiệp: Cơ sở hình thành kinh tế tuần hoàn

Quản lý chất thải hiệu quả tại các doanh nghiệp là cơ sở để hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm thiểu sử dụng và giảm phát sinh chất thải.

Quản lý chất thải hiệu quả tại các doanh nghiệp là cơ sở để hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm thiểu sử dụng và tái tạo nguồn tài nguyên, giảm phát sinh chất thải, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ là nguồn phát sinh chất thải lớn, gây ra nhiều tác động tới môi trường.

Người lao động Nhà máy Nestlé Đồng Nai trồng cây xanh

Người lao động Nhà máy Nestlé Đồng Nai trồng cây xanh

Nhà nước đã có những quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải nói riêng. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng thể chế hóa “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường, trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế chất thải, xử lý chất thải bằng phương thức nhà sản xuất đóng góp tài chính để xử lý chất thải. Qua đó, sẽ thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; đồng thời tạo nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương.

Với từng loại hình chất thải, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng có những quy định chi tiết hơn về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý chất thải. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, trong thời gian qua, vẫn xảy ra nhiều vụ đổ trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Điều này cho thấy, việc tuân thủ, thực thi nghiêm các quy định pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất quan trọng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội - cho rằng, nếu chúng ta biết ứng dụng khoa học - công nghệ ở tầm cao, cùng với trách nhiệm cao, tâm huyết, chất thải có thể là “mỏ vàng lớn”. Vấn đề quan trọng nhất là thái độ của doanh nghiệp, người dân và cơ quan công quyền như thế nào.

Theo ông Hideki Wada – Giám đốc Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam, trước khi các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất là những cá thể không phải chịu các vấn đề liên quan đến tái chế chất thải từ các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sau khi đưa vào Luật, họ phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm do mình tạo ra. Do đó, nhà sản xuất phải cân nhắc nhiều hơn đến việc làm sao để có thể giảm thiểu được lượng bao bì, thiết kế sản phẩm để có thể dễ dàng hơn cho công tác tái chế sau này. Khi đó, các nhà sản xuất sẽ đặt vấn đề tái chế giống như một trong những hoạt động kinh doanh của họ…

Khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải. Đồng thời, cần có các chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý chất thải để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải.

Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-chat-thai-tai-doanh-nghiep-co-so-hinh-thanh-kinh-te-tuan-hoan-180249.html