Quản lý tiền công đức thế nào để tránh trục lợi?
Quản lý tiền công đức vẫn có những lỗ hổng chưa thể lấp. Việc quy định phải công khai kiểm đếm, dòng tiền... tại các cơ sở tín ngưỡng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng trục lợi tiền công đức.
Kiểm đếm hàng ngày, công khai số liệu
Ngày 7/3, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hồi giữa tháng 2/2023. Thủ tướng giao hai bộ kiểm tra về quản lý tiền công đức, thí điểm từ Quảng Ninh, báo cáo trong quý II/2023.
Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào. Nhằm khắc phục phần nào tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023, hiệu lực từ ngày 19/3, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Theo quy định, nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Với tiền mặt, người tiếp nhận mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định cũng được thu gom, kiểm đếm.
Tiền công đức chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để an toàn, minh bạch. Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.
Từ xưa tới nay, việc "phát tâm công đức giọt dầu" là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Cùng với nhu cầu tâm linh và sự phát triển của xã hội, chùa không chỉ là nơi hành lễ mà còn là địa điểm du lịch. Vì thế tiền công đức cũng nhiều hơn, tiền công đức được dắt ở nhiều nơi từ mâm lễ đến tay tượng Phật.
Để tìm hiểu về quy trình quản lý tiền công đức, phóng viên Sức khỏe và Đời sống liên hệ với một phật tử ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Người này cho biết, nhà chùa có hòm công đức đặt ở ngoài cổng và bên trong chùa. Hòm công đức được mở ra hàng ngày, các phật tử gom tiền rồi đưa cho nhà sư trụ trì chùa. Tổng số tiền công đức bao nhiêu là không công khai, chỉ trụ trì chùa nắm được.
"Khi có việc cần đến tiền như sửa sang nhà chùa, xây tường bao, mua cây trồng… thì trụ trì sẽ lấy tiền công đức này để chi tiêu. Thực tế mỗi khi nhà chùa có việc gì đó thì số người phát tâm công đức rất nhiều, thường là thừa để làm việc đó. Việc thu chi tài chính thế nào, các phật tử không nắm được, cũng không công bố công khai mà chỉ có trụ trì được biết. Thường thì chúng tôi cũng không thắc mắc về khoản này", phật tử cho hay.
Khi được hỏi từ ngày 19/3, quy định công khai tiền công đức có hiệu lực thì nhà chùa sẽ triển khai thế nào, phật tử này nói không nắm được và cũng không biết nhà chùa có công khai theo quy định không. Từ trước đến nay, không ai "dám" hỏi trụ trì về số tiền này. Tuy nhiên nếu các con số được công khai thì người dân, những người phát tâm công đức sẽ cảm thấy thoải mái, không có gì phải lăn tăn đặt câu hỏi về dòng tiền này nữa.
Người dân là "tai mắt" giám sát chuẩn nhất
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương, cơ chế quản lý tiền công đức còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau. Hệ lụy là nhiều nơi trục lợi tiền công đức, sử dụng vào những việc cá nhân khiến dư luận phẫn nộ.
Với sự ra đời Thông tư số 04/2023, đây là lần đầu tiên, các khía cạnh về quản lý thu chi tài chính trong hoạt động lễ hội, trong phục dựng, tu bổ di tích được quy định thành văn bản pháp luật, tương đối cụ thể, với từng loại hội, loại di tích, loại tài chính, là cơ sở để hướng tới sự công khai, dân chủ trong việc quản lý nguồn thu - chi trong các di tích, trong hội, tránh tình trạng nhập nhèm như hiện nay.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, ngoài quản lý đầu vào bằng công khai, kê khai, thì phải quản lý cả đầu ra của tiền công đức. Các khoản tiền công đức, đóng góp thường được các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng vào năm mục đích chính như nuôi bộ máy hành chính, để tu sửa, nâng cấp kiến trúc, mua trang thiết bị, vật tư, đồ tế lễ. Tiền công đức cũng dùng để tổ chức các hội nghị, hội thảo và tài trợ, giúp đỡ những đồng bào nghèo đói, lũ lụt và một số hoạt động khác.
Để Thông tư 04/2023 đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng. Chính những người dân ở địa phương là những "thanh tra viên" khách quan, minh bạch và chính xác nhất. Người dân có quyền giám sát thu chi, phản ánh nếu có tiêu cực thì thông tư mới thực sự đi vào đời sống, quản lý được lĩnh vực vốn được cho là nhạy cảm này.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc quản lý nguồn tiền công đức tại cơ sở tôn giáo thực hiện qua tài khoản ngân hàng sẽ giúp minh bạch việc sử dụng. Những cá nhân đóng góp tiền vào cơ sở tôn giáo cũng sẽ yên tâm hơn khi biết tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích.
Để quản lý thu chi tốt, nên thành lập các hội đồng, giống như đại diện của người dân để cùng tham gia việc kiểm đếm, tính toán dòng tiền đóng góp. Sau đó, có thể phân chia để chi tại chỗ, hoặc chuyển vào một quỹ nào đó, thậm chí có thể san sẻ thêm cho các cơ sở thờ tự khác.
"Khi đó, toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỷ lệ hợp lý. Trong đó, cụ thể tỷ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương và trung ương; tỷ lệ tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu. Việc này sẽ tạo được niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng", ông Thịnh góp ý.