Quan tâm, lấy người dân là trung tâm phục vụ- Kỳ 2
Kỳ 2: Từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Bình Dương luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có vị trí hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của người dân và cộng đồng dân cư. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quan tâm xây dựng các thiết chế
Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển về kinh tế, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về văn hóa. Trong đó, các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp về cơ sở vật chất. Nội dung hoạt động của các thiết chế luôn được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân; góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cho biết thời gian qua việc đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống TCVHTT cơ sở phục vụ nhân dân nói chung, công nhân lao động nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có66 di tích được công nhận (13 di tích cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh). Một sốcông trình được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng, như: Sân vận động tỉnh đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải cấp quốc gia, quốc tế; Trung tâm Văn hóa tỉnh; thư viện; bảo tàng; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao. Ngoài ra, 9/9 huyện, thị, thành phốđã hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh và 9 thư viện cấp huyện; 66/91 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng.
Ngoài các hoạt động tại chỗ, Thư viện tỉnh còn tổ chức xe sách lưu động phục vụ các đối tượng bạn đọc ngoài thư viện
Ông Phan Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Thủ Dầu Một, cho hay trong những năm gần đây, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa luôn được quan tâm lưu giữ, thành phốcũng đã đầu tư xây dựng phốđi bộ Bạch Đằng, xây dựng thêm nhiều công viên, hoa viên, cải tạo Nhà truyền thống thành phố, Công viên Thủ Dầu Một… để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo thêm sân chơi lành mạnh cho mọi người.
Tạo thêm nhiều sân chơi
Song song với đầu tư xây dựng các TCVHTT, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho nhân dân nói chung vàcông nhân lao động trong các khu công nghiệp nói riêng cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Theo sốliệu thống kê của Sở VHTTDL, toàn tỉnh hiện có trên 350 cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và duy trì đội, nhóm văn nghệ quần chúng, cùng với đó là những chương trình biểu diễn, sinh hoạt văn hóa văn nghệ sôi nổi.
Tỉnh cần tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các TCVHTT các cấp. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVHTT đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của toàn xã hội”.
(Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTTDL)
Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức trung bình 150 buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân ở cơ sở. Mô hình xe thư viện lưu động do Thư viện tỉnh thực hiện trong những năm qua đã giúp thư viện chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, giúp nhân dân vàcông nhân lao động có thể tiếp cận được với nguồn sách báo, góp phần nâng cao văn hóa đọc, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ngành VHTTDL còn phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: Hội thi văn nghệ - thể thao công nhân tại các khu công nghiệp; tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn phục vụ tại các địa phương có nhiều công nhân lao động ở trọ; hỗ trợcác khu công nghiệp tổ chức hoạt động thể thao và hỗ trợBan quản lý các khu công nghiệp tổ chức đại hội thể dục thể thao cơ sở định kỳ hàng năm…
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An thông tin, nhằm góp phần đáp ứng, phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, ngoài nguồn ngân sách, trong thời gian qua, TP.Thuận An luôn quan tâm đến công tác xã hội hóa về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Qua đó, thành phốđã mời gọi được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cùng với nhà nước đa dạng hóa các phong trào ở địa phương, mở rộng nhiều loại hình văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và hưởng thụ văn hóa tinh thần trong nhân dân, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Lộc (bìa phải) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo địa phương và Ban Quản lý đình Dĩ An Ảnh: HỒNG THUẬN
Theo đánh giá của ông Lê Văn Thái, trong thời gian qua, TCVHTT các cấp đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn; xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; nội dung, chương trình ngày càng tinh gọn, đổi mới, đa dạng, phong phú và linh hoạt, phù hợp hơn với từng đối tượng tham gia. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương được thực hiện tốt, tạo không khí phấn khởi, nâng cao sự hiểu biết về thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hệ thống TCVHTT cơ sở từng bước trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao quen thuộc, là địa chỉ thu hút nhân dân đến vui chơi, giải trí, sáng tạo và bảo tồn văn hóa, rèn luyện thể chất…
(Còn tiếp)