Quản trị sức khỏe: Đi và về

Họ là một nhóm người tự nguyện tìm đến với nhau bằng tâm niệm 'sống đời doanh nhân tỉnh thức', và một trong những điều họ đang quan tâm tỉnh thức đó là nhắc nhở nhau đừng đi quá xa đến mức đánh mất hết sự bình an…

 Các doanh nhân đang tập hát một bài thiền ca.

Các doanh nhân đang tập hát một bài thiền ca.

Một buổi sáng, trong căn phòng không quá rộng nhưng đủ để quan sát có không ít người tụ về trong bầu không khí mang màu chờ đợi. Họ chờ đợi được giúp đỡ cất đi những lo phiền, sầu khổ, mệt mỏi... Có người còn chưa giấu được vẻ căng thẳng (như đã tích tụ từ nhiều ngày) trên gương mặt.

Một vị cho biết họ đến để “tìm kiếm một ngày vui”. Vài người như thể đã ít nhiều quen thuộc với không khí này chia sẻ rằng họ muốn tự dâng tặng cho mình một “món quà ý nghĩa”. Món quà đó là một ngày thiền tập. Dưới sự hướng dẫn của vài vị thiền sư từ Làng Mai, họ tập thiền đi thiền đứng, thiền nói thiền nghe, thiền ăn thiền thở... Còn ý nghĩa của nó như thế nào có lẽ sẽ rất khác biệt mà chỉ tự bản thân mỗi người mới có thể cảm nhận một cách đầy đủ.

Một hình ảnh khác ngày thường

Thoạt nhìn, người ta khó có thể nghĩ những con người ấy là những ông, bà chủ tịch hoặc những CEO của các tập đoàn bất động sản, thực phẩm, dược phẩm, kiểm toán, du lịch..., hay những nhà quản lý cấp cao của các ngân hàng, các chuỗi nhà hàng, khách sạn tiếng tăm. Bởi họ không mang dáng vẻ trịnh trọng như trong nhiều dịp họ xuất hiện trước mắt mọi người.

Những người đàn ông không veston hay cravat. Những phụ nữ không phải khó nhọc trong những bộ trang phục ôm cứng thân thể hòng tôn vẻ đẹp của các quý bà. Ngược lại, khi khiêm nhường gói thân bên trong những tấm áo rộng, mỏng nhẹ, họ di chuyển thanh thoát và như lẫn vào nhau trong một thế giới ở cực khác với ngày thường - cực của yếu đuối, của cậy trông.

Suốt cả ngày họ bước nhẹ, nói khẽ, ăn uống chậm trong thinh lặng. Thậm chí, như thể để cho rảnh nợ, nhiều người ngay từ đầu ngày đã tự nguyện nộp luôn cho ban tổ chức cái thiết bị cực thông minh mà ngày thường vốn dĩ là vật bất ly thân, là “trợ thủ” đắc lực từng giờ từng phút cho công việc làm ăn.

Tạm quên điện thoại, quên công ty, quên những sự vụ đang còn dang dở ở nơi nào đó, họ nằm dài ở đây, buông lỏng đầu óc để cho giai điệu êm như ru của bài thiền ca rót vào lòng từng âm dịu nhẹ: “Thở vào, thở ra... là hoa tươi mát... là núi vững vàng. Nước tĩnh lặng chiếu... không gian thênh thang...”.

Vượt lên nỗi sợ

Hôm ấy, nhiều người đã có dịp trải lòng. Một CEO nhiều năm dày dạn trên thương trường đã thú nhận chính những tố chất như “vượt lên”, “đi trước”, “dẫn đầu”... của giới doanh nhân, một mặt là những viên gạch lát đẹp con đường đưa họ đến sự thành đạt, nhưng mặt khác, con đường đó cũng dẫn họ đến với những nỗi sợ: sợ cô đơn, sợ thất bại, sợ phá sản, sợ nhục... Trong số họ, từng có những người, khi ở trên đỉnh sợ hãi đã muốn tìm đến cửa tử!

Người CEO hỏi vị thiền sư rằng họ phải làm sao để có thể vượt lên những nỗi sợ.

Lời khuyên của ngài là hãy tìm đến “miền tịnh độ”. Đó có thể là một “phương thuốc” hữu hiệu mà trước tiên chỉ với hai từ khóa: “tập luyện” và “chấp nhận”.

Con đường để đạt tới không sợ hãi chính là luyện tập... không sợ hãi, từ những chuyện nhỏ nhất như khi đánh rơi một bình trà: có gì phải hốt hoảng?, cho đến những chuyện lớn hơn như khi phải đối diện với sự ra đi của người thân hay thậm chí là với khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình.

Hôm ấy, các doanh nhân được tập trở về với chính mình - bằng hơi thở, để lắng thân, tâm. Vị thiền sư bảo rằng, con người có khuynh hướng sống chạy tới tương lai. Những cái đích tiền tài, địa vị, danh vọng nào đó được xem là sự bảo hộ cho hiện tại và người ta luôn lo sợ cho tương lai.

Nỗi sợ ấy lớn tới mức họ không chỉ bỏ quên sức khỏe, hạnh phúc hiện tại của chính mình mà còn của cả những người thân. Nhưng họ cũng quên rằng tương lai luôn có từ hiện tại. Trở về với hơi thở là để ý thức về giây phút hiện tại, cũng có nghĩa là ý thức sự sống đang có mặt. Đó là một cách truyền thông với chính mình, rằng ta đang sống đây, rằng thân tâm mỏi mệt rất tội nghiệp của ta đây đang cần được chữa lành.

Thiền sư đã nhắc khéo các doanh nhân rằng việc quản trị bản thân là một điều bình thường, căn bản của mỗi người. Nhiều doanh nhân tuy rất can đảm dấn bước vào con đường quản trị kinh doanh, nhưng trên con đường ấy, họ lại thiếu “can đảm” gìn giữ cho chính mình. Họ dễ dàng đánh đổi, từ đánh mất những điều thường thức trong cuộc sống như chăm sóc sức khỏe bản thân cho đến hy sinh cả những điều chân quý, chẳng hạn như những cảm thọ quý giá của cảm xúc vậy.

Do vậy, thiền sư khuyên phải biết can đảm buông bỏ và nhận thấy chữ “duyên” để biết chấp nhận. Mọi thứ là do duyên và không có gì trường tồn, kể cả sự thành đạt. Khi nào sự thành đạt kết thúc thì có nghĩa nó và ta đã... hết duyên rồi! “Điều đó vốn dĩ bình thường. Cố quá thì sẽ nát! Hãy biết mỉm cười với những điều bất như ý”, thiền sư nói.

Đường tới bình an gần hay xa?

Cũng hôm ấy, vài người cho biết khi ngồi nhìn lại những “chuyến đi” trong quá khứ, họ nhận ra họ không những đã bỏ quên bản thân một thời gian quá dài mà còn đang vướng phải nhiều nỗi lo, nỗi khổ, thậm chí là những nỗi đau. Một ông bố khổ sở khi hơn nửa cuộc đời miệt mài gầy dựng sự nghiệp, nay con cái lại không muốn kế thừa. Một phụ nữ tài giỏi với năm, sáu công ty, nay được chẩn đoán ung thư nên phải lo thu dọn sao cho gọn lại. Một chủ doanh nghiệp trẻ bứt rứt khi tự thấy mình khó lòng thoát khỏi tham - sân - si trong kinh doanh cũng như trong điều hành doanh nghiệp. Một người đàn ông tự biết mình đang ở ngưỡng stress cao độ nhưng việc kiếm tiền không thể dừng lại vì anh có tới mấy đứa con cần được đi du học...

Toàn những thứ áp lực đáng sợ! Liệu hơi thở có thể giúp họ thế nào đây?

Vị thiền sư lại nói, trở về với hơi thở là một cách tĩnh tâm để quay lại với chính mình, là dịp để xem xét và hiểu sâu sắc sự vận hành của mọi sự việc, hiện tượng, như một cách vén bớt những bức màn che phủ thực tại. Điều này sẽ đem lại những “sự thấy” đáng giá.

Tỷ như người ta có thể nhận ra những cám dỗ trong đời sống đã dẫn dắt họ rời xa lý tưởng của mình như thế nào. Hay nhận biết rằng chính những trải nghiệm khó khăn, đau khổ mà họ trải qua là những chất liệu phong phú giúp họ “chế tác” tâm thương - thương mình và thương cả xung quanh. Rồi chính tình thương ấy sẽ hướng dẫn con người cách nhìn các vấn đề gặp phải hàng ngày và cư xử với chúng theo cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Có lẽ như vậy thật. Vì chẳng phải ngẫu nhiên mà câu hát “Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ” trong nhạc Trịnh lại có sức lay động lòng người đến vậy!

Thế nhưng đối với nhiều người, có vẻ như tu tập tỉnh thức vẫn là sự lựa chọn cuối cùng. Thậm chí vẫn chưa khi mà không ít người cứ mặc định một lời rằng họ không còn cách nào để dừng lại.

Chợt nhớ trong một dịp tư vấn doanh nhân giảm stress mới đây, bác sĩ Lê Hùng có đề cập đến cái gọi là “đạo tồn vong”. Ông nói: “Ai cũng biết áp lực chồng chất sẽ gây nên bệnh. Cũng không phải người ta không thấy stress là loại bệnh nguy hiểm đến mức có thể dẫn đến tự tử, ung thư... và... kết thúc mọi vấn đề! Nhưng cái khó là họ vẫn cứ lao vào như loài thiêu thân”.

Thanh Phương

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288289/di-va-ve.html