Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

Thực hiện dự án 6 về 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Mục tiêu của Dự án 6 là nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Làng Bhờ Hôồng, xã sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam một trong những ngôi làng lâu đời của đồng bào Cơ Tu. Cũng như nhiều ngôi làng khác, nhà Gươl được xây dựng tại trung tâm làng. Đây là nơi tổ chức sự kiện quan trọng của cộng đồng làng như tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hết mùa rẫy, người dân đến đây đan lát. Nghề đan lát của người Cơ Tu được truyền từ đời nay sang đời khác.

Ông BLing Blóo ở xã Sông Kôn duy trì và phát triển nghề đan lát

Ông BLing Blóo ở xã Sông Kôn duy trì và phát triển nghề đan lát

Ngôi làng nằm sát Quốc lộ 14G luôn giữ được dáng vẻ truyền thống của người Cơ Tu, thu hút nhiều du khách ghé tham quan. Những vật dụng thủ công tinh xảo do người Cơ Tu làm đã trở thành món quà kỷ niệm đối với khách du lịch. Ông BLing Blóo ở xã sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: nghề đan lát không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Lúc rảnh rỗi, ông BLing Blóo thường dạy con cháu về nghề đan lát, nhắc nhở thế hệ con cháu, dân làng cùng biết yêu nghề, giữ truyền thống mà ông cha người Cơ Tu để lại.

Người Cơ Tu khôi phục lại nghề truyền thống.

Người Cơ Tu khôi phục lại nghề truyền thống.

Để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thồng, các nghệ nhân nơi đây phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn lấy nguyên liệu gồm tre, mây nứa, sau đó phơi khô, tạo độ dai và tránh mối mọt, tăng độ bền chắc rồi mới đan từng bộ phận của sản phẩm. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát phải mất từ 5 đến 7 ngày. Các sản phẩm đan lát đa dạng, như giỏ, nia, mâm cơm đến các loại gùi lúa, gùi gạo, gùi muối, gùi đựng trang sức phụ nữ có giá bán từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm.

Ông BLing Blóo nói: “Đây là nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu từ lâu đời giúp bà con tăng thêm thu nhập, chúng tôi đan lát cả dệt thổ cẩm. Chúng tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn truyền nghề lại cho con cháu, làm vừa sử dụng vừa bán ra cho khách du lịch, vừa giữ nghề truyền thồng bảo tồn văn hóa và tăng thu nhập cho gia đình”.

Các sản phẩm đan lát rất đa dạng như nia, giỏ các loại gùi đựng trang sức phụ nữ.

Các sản phẩm đan lát rất đa dạng như nia, giỏ các loại gùi đựng trang sức phụ nữ.

Những năm qua, song song với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, huyện miền núi Đông Giang rất chú trọng đến bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Thực hiện dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện miền núi Đông Giang được phân bổ hơn 3,5 tỷ đồng để triển khai thực hiện nội dung này.

Điệu múa Tân tung da dá của đồng bào Cơ Tu huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Điệu múa Tân tung da dá của đồng bào Cơ Tu huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện miền núi Đông Giang đã thực hiện tốt việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhờ đó những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, những câu hát, điệu múa được bà con duy trì và phát triển. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch được huyện miền núi Đông Giang rất chú trọng, giúp người dân có thêm thu nhập, có động lực để giữ gìn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Dự án 6 đối với miền núi, tôi cho rằng rất quan trọng. Về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai về công tác bảo tồn giữ gìn phát huy những văn hóa tốt đẹp của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch. Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện điểm đến để kích cầu du lịch tại xã Tà Lu và đến nay đã hình thành được khu dệt thổ cẩm vừa duy trì được bản sắc văn hóa Cơ Tu. Cùng với đó phát triển thêm làng du lịch Bhơ Hôồng. Hiện nay phòng Văn hóa thông tin và các địa phương tập trung triển khai dự án 6 này, liên quan đến tái hiện nghi lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh giao tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra tập huấn nói lý, hát lý. Tôi cho rằng những hướng đi và tiếp cận nguồn vốn của dự án 6 mang lại hiệu quả cho người dân”.

Thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được bày bán.

Thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được bày bán.

Các hoạt động của dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam. Việc đẩy mạnh thực hiện các nội dung của dự án 6 đã góp phần phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, người dân là đối tượng thụ hưởng chính của chương trình này: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đề ra nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đối với Quảng Nam trong thời kỳ đổi mới hội nhập ngày nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số đã chung tay góp sức đoàn kết triển khai thực hiện đạt được nhiều hiệu quả. Được sự quan tâm của đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh phát triển kinh tế phát kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Ngày hội văn hóa truyền thống Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Ngày hội văn hóa truyền thống Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/quang-nam-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-thieu-so-post1132048.vov