Quảng Nam: Tăng tỷ lệ người dùng nước sạch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cuối tháng 9 vừa qua, đồng bào Cơ Tu thôn Pà Tôi, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang vui mừng đón dòng nước sạch từ công trình nước sạch suối Rơ Rang về đến khu dân cư. Trước đó, công trình nước sạch lấy nước suối Play đã cung cấp nước sạch cho người dân trong thôn.
Dự án 1 của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” đặt mục tiêu “Góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành”. Thực hiện chương trình này, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã tích cực đầu tư các hạng mục công trình nước sạch nông thôn, tăng tỷ lệ người dân có nước sạch sinh hoạt.
Cuối tháng 9 vừa qua, đồng bào Cơ Tu thôn Pà Tôi, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang vui mừng đón dòng nước sạch từ công trình nước sạch suối Rơ Rang về đến khu dân cư. Trước đó, công trình nước sạch lấy nước suối Play đã cung cấp nước sạch cho người dân trong thôn. Nhưng chỉ một công trình thì người ở cuối thôn cũng có lúc đi xa. Nay có thêm công trình nước sạch suối Rơ Rang, 190 nhân khẩu ở thôn Pà Tôi đã có đủ nước sạch sinh hoạt.
Bà Coor Đới, trưởng thôn Pà Tôi, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ xưa đến giờ thôn Pà Tôi rất khó khăn về nước sạch. Giờ có Đảng, Nhà nước quan tâm có được 2 công trình nước sạch, nhất là nước sạch suối Play, bà con cũng đã dùng rồi. Hiện tại cũng đã làm xong công trình suối Rơ Rang nữa, mới hoàn thiện tháng 9 này đã xong rồi thì đã được bà con dùng rồi”.
Thôn Pà Tôi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 sau khi công trình nước sạch phát huy tác dụng. Cũng như thôn Pa Tôi, người dân thôn Vinh, xã Tà Pơ rất phấn khởi khi công trình nước sạch đưa nước về tận thôn. Công trình nước sạch thôn Vinh được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Blinh Ai, người dân thôn Vinh, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang bày tỏ: “Nước sạch bây giờ rất đảm bảo. Từ khi có chương trình mục tiêu quốc gia đến giờ, nước luôn đầy đủ, không thiếu thốn nữa. Nhất là mùa hè nước vẫn đảm bảo cho bà con sử dụng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện”.
Thôn Pà Oong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang có hơn 290 hộ với 1.290 nhân khẩu. Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thôn này được đầu tư xây dựng nhiều công trình như hội trường thôn, đường giao thông, xóa nhà tạm, trồng cây dược liệu.
Ông Ka Hiên Thọ, Trưởng thôn Pà Oong cho biết, năm nay từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thôn được đầu tư xây dựng 20 ngôi nhà giúp hộ gia đình nghèo. Về hạng mục nước sạch nông thôn, ông Ka Hiên Thọ cho biết, chính quyền địa phương phân cấp người dân được đề xuất xây dựng công trình ở vị trí nào, phục vụ cho những hộ nào.
“Nói chung, nước sạch hiện đã được phủ toàn thôn luôn. Hiện nay, thôn cũng đề xuất một số hộ ở cuối làng để làm giếng khoan. Theo Ban Dân chính thôn và cán bộ thôn nhìn nhận, giếng khoan này rất thuận lợi. Mùa mưa vẫn có nước, mùa nắng vẫn có nước. Mùa hè vẫn có nước sử dụng. Những hộ cuối làng, mùa hè nước không về được là bà con tập trung dùng giếng khoan nước sạch này”, ông Ka Hiên Thọ nói.
Khó khăn khi xây dựng công trình nước sạch từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc đấu thầu qua mạng. Chính quyền xã được giao làm chủ đầu tư nhưng chưa có kinh nghiệm tổ chức xét thầu, lập hồ sơ thủ tục mời thầu, không có đội ngũ chuyên làm thủ tục hồ sơ đấu thầu.
Ông Zơ Râm Thực, Chủ tịch UBND Tà Pơ, huyện Nam Giang cho biết, chính quyền các địa phương phải nhờ các phòng ban của huyện, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để tháo gỡ khó khăn, học cách làm thủ tục đấu thầu qua mạng.
“Qua 2 năm 2023-2024, hơn 100 hộ được cấp nước sạch từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì nguồn vốn năm 2023 được 175 triệu đồng để thực hiện mục tiêu mỗi hộ được hưởng lợi tối đa là 3 triệu đồng. Chờ hồ sơ chấm thầu để triển khai cấp bồn nước và công trình nước sinh hoạt. Riêng năm 2024, 85 hộ được hưởng lợi với số tiền 300 triệu đồng, huyện cũng phân bổ cho xã làm chủ đầu tư. Vướng mắc lớn nhất của địa phương hiện nay là đấu thầu qua mạng, qua nhiều công đoạn. Xã cũng liên hệ với các xã khác, với các phòng ban chuyên môn của huyện, nhờ các anh hướng dẫn cách lập thủ tục, hồ sơ đấu thầu qua mạng để xã triển khai thực hiện”, ông Zơ Râm Thực cho biết.
Đến nay, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đầu tư xây dựng 18 công trình nước sạch sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 53 tỉ đồng. Tỷ lệ người dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 80%. Trong đó, có nhiều dự án từ nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương ưu tiên nguồn lực cho việc đưa nước sạch đến với bà con sử dụng hàng ngày.
“Huyện cũng đang tập trung chỉ đạo cố gắng giải ngân ở mức độ cao nhất để có thêm những dự án, có thêm những công trình dân sinh phục vụ lợi ích nhân dân. Đối với hạng mục nước sạch nông thôn, đây là vấn đề khó trên địa bàn huyện. Bởi vì địa hình đồi núi nên nước sinh hoạt phải dẫn từ xa, rất tốn kém. Tuy nhiên, cho đến nay, huyện cũng cố gắng gần như tất cả các thôn đều được ưu tiên nguồn lực để có nước sinh hoạt. Nơi nào có trục trặc, hư hỏng thì phải bố trí nguồn lực kịp thời sửa chữa”, ông Lê Văn Hường nói.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025) xác định: “Ưu tiên hỗ trợ mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt hộ gia đình; Đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh”. Thực hiện mục tiêu này, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam và các địa phương đang tích cực khảo sát, xây dựng dự án, lập hồ sơ đầu tư công trình nước sạch sinh hoạt tập trung hoặc phân tán hỗ trợ người dân vùng khó khăn sớm có nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh.