Quảng Ngãi: Cần hỗ trợ miền núi điều trị bệnh nhân Covid-19
Gần 1 tháng qua, tỉnh Quảng Ngãi áp dụng biện pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng và bệnh nhẹ tại nhà. Số ca nhiễm Covid-19 ở miền núi, vùng sâu tỉnh Quảng Ngãi vẫn tăng trong khi cơ sở vật chất y tế, điều kiện sinh hoạt của người dân còn thiếu thốn. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều trở ngại khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở miền núi, vùng sâu.
Ca nhiễm ngày càng tăng
Huyện Sơn Hà ghi nhận 570 ca, là vùng núi có ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Để điều trị bệnh nhân, huyện sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên thu dung, điều trị và theo dõi 340 bệnh nhân. Hiện số ca F0 đang điều trị 156 người và chuyển tuyến điều trị tuyến trên 5 ca nặng, nguy cơ tử vong cao.
Tại khu điều trị tập trung, ngành y tế huyện tiếp nhận các ca nhiễm Covid-19 được phát hiện và đưa vào khu điều trị để ngăn chặn nguồn lây, đồng thời tăng cường công tác giám sát các trường hợp nguy cơ nhiễm cao.
Phần đông số người nhiễm Covid-19 là công nhân làm trong các khu công nghiệp, người về từ vùng dịch. Sơn Hà là huyện miền núi có số dân đông, lượng người làm ăn từ các địa phương trở về đông khiến số ca nhiễm tăng rất khó kiểm soát.
Sau mấy ngày điều trị bệnh, bà Đ.T.V vẫn còn các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Là bệnh nhân cao tuổi, chưa tiêm vaccine nên nguy cơ bệnh chuyển nặng là rất cao nếu không phân loại theo dõi và có biện pháp can thiệp tạm thời. “Ở đây không nắm được người nào tiêm vaccine rồi, người nào chưa tiêm. Người ở các công ty đưa về, người ở xa về bị bệnh, cứ bị F0 là đưa vào đây điều trị thôi chứ chúng tôi không nắm được”, bà Đoàn Thị Kim Phương, cán bộ y tế khu điều trị cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hà cho biết, số ca bệnh đưa vào khu điều trị tập trung chủ yếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. “Chúng tôi không phân loại tiêm vaccine hay không tiêm mà tất cả F0 giống nhau. Bệnh nhân xét nghiệm âm tính cho về, còn nặng thì chuyển tuyến trên”.
Tỉnh Quảng Ngãi áp dụng biện pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, tuy nhiên do nhà ở, điều kiện sinh hoạt của người bệnh không đáp ứng được nên hầu hết các ca bệnh tại huyện Sơn Hà điều trị tập trung. Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, đưa người bệnh về khu tập trung chăm sóc vừa chia sẻ khó khăn với người dân, vừa ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. “Do thời điểm Tết nên chúng tôi bố trí lực lượng trực luân phiên tại khu điều trị Covid-19. Huyện cũng thành lập 4 trạm y tế lưu động để hỗ trợ các xã vùng sâu theo dõi, phát hiện ca bệnh để can thiệp kịp thời”.
Cần hỗ trợ miền núi điều trị bệnh nhân Covid-19
Tại tỉnh Quảng Ngãi nói chung và vùng miền núi nói riêng, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, ổ dịch mới trong cùng thời điểm và có nhiều biến chủng virus mới có khả năng lây lan rộng với cấp độ nhanh hơn trước. Các địa phương nỗ lực vừa điều trị, vừa giảm ca bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tại các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long và Ba Tơ hiện ở cấp độ 2 với tổng số 1.530 ca nhiễm Covid-19. Số ca bệnh ngày càng tăng và phần lớn phát hiện do người dân tự test khi từ nơi xa về hoặc có biểu hiện, triệu chứng bệnh. Theo nhận định của các địa phương, những ngày giáp Tết, người dân từ các nơi, vùng dịch trở về tăng cao và nguy cơ tăng ca bệnh cũng như bùng phát dịch rất lớn.
Khác với đồng bằng, ở miền núi, vùng sâu tỉnh Quảng Ngãi cơ sở vật chất y tế thiếu thốn, tập quán nhà sàn, không có nơi sinh hoạt riêng cũng như các điều kiện cách ly tại nhà không bảo đảm, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao. Vì vậy, mặc dù tỉnh Quảng Ngãi thực hiện điều trị F0 tại nhà nhưng hầu hết các huyện miền núi chuyển bệnh nhân Covid-19 điều trị các khu tập trung.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long, Đinh Văn Điết chia sẻ, với số lao động địa phương làm việc ở các khu công nghiệp bị bệnh và lây lan ra cộng đồng, ngành chức năng huyện đưa người bệnh điều trị tập trung để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bà con, vừa kiểm soát dịch. “Đặc thù miền núi phải điều trị tập trung chứ điều trị tại nhà rất khó. Chi phí điều trị, sinh phẩm y tế rất cần được hỗ trợ, chia sẻ để địa phương chung sức chăm sóc người dân”.
Huyện miền núi Ba Tơ ghi nhận 300 ca F0, và hiện đang điều trị hơn 100 ca Covid-19 tại nhà. Ngành y tế cung cấp thuốc điều trị bệnh, hướng dẫn bệnh nhân và gia đình các biện pháp chăm sóc tại nhà và phòng lây lan dịch ra thôn, bản. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là thiếu thiết bị, sinh phẩm y tế nếu ca bệnh tiếp tục tăng. Đồng chí Đinh Ngọc Vỹ, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ cho biết:“Chúng tôi triển khai điều trị bệnh tại nhà nhưng lo nhất là thiếu thuốc, sinh phẩm xét nghiệm cho gia đình bệnh nhân. Chúng tôi cần hỗ trợ kịp thời để xét nghiệm, kết quả sớm để điều trị kịp thời cho bà con”.
Cùng với chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi vận động người dân không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là dịp tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung hỗ trợ, vận động người thân, gia đình chủ động tầm soát, xét nghiệm phát hiện sớm không để lây lan dịch ra cộng đồng; Rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân, tăng cường giám sát y tế, tổ Covid cộng đồng trong phòng, chống dịch.
Lo ngại số ca nhiễm tăng, nguy cơ quá tải ở các khu cách ly nên các địa phương đã tăng cường các biện pháp từ cơ sở điều trị bệnh nhân tại nhà, nơi lưu trú trong thời gian tới.
“Chúng tôi tập trung triển khai mạnh các biện pháp từ cơ sở. Ngoài điều trị tại khu tập trung, những trạm y tế lưu động xã hỗ trợ điều trị ca bệnh tại nhà. Các biện pháp song song thực hiện phù hợp với đặc thù vùng ở miền núi để làm sao giảm số ca nhiễm nhất có thể”, ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây khẳng định.