Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Sáng 26/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết. Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc chuyển đổi thành dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là phù hợp.
Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc bảo vệ môi trường, Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã khá cụ thể. Tuy nhiên, cần thiết kế cho bao quát và đầy đủ nội hàm của công tác bảo vệ môi trường. Với 06 nguyên tắc cơ bản được quy định trong dự thảo Luật, đã thể hiện tương đối đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng về công tác bảo vệ môi trường phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và được cụ thể hóa xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần phát huy và kế thừa cách xây dựng nguyên tắc bảo vệ môi trường ngắn gọn, súc tích, bảo đảm tính quy phạm và giữ lại những nguyên tắc còn nguyên giá trị của Luật Bảo vệ môi trường 2014; đồng thời cân nhắc điều chỉnh một số nguyên tắc vừa được bổ sung, như “Các đối tượng được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường” cho phù hợp hơn.
Về quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá môi trường chiến lược, cùng nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, dự thảo Luật có một số quy định khác với Luật Quy hoạch. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời một số ý kiến thẩm tra đề nghị bổ sung nội dung quy định có tính nguyên tắc cụ thể hơn, làm căn cứ Chính phủ quy định cơ chế, chính sách và lộ trình dừng hoạt động hoặc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung này trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; làm rõ hơn mối liên hệ giữa phân vùng môi trường, quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và khả năng chịu tải của một số thành phần môi trường để xác định trình tự, yêu cầu và mức độ tác động. Có ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định đối tượng phải thực hiện ĐMC tại khoản 1 Điều 33 bao gồm cả các dự án luật, pháp lệnh sẽ làm phát sinh thủ tục và chi phí không cần thiết.
Về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo Luật, thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời tán thành việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường, nhưng đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại giấy phép môi trường; việc thẩm định cấp giấy phép môi trường, thời điểm cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của giấy phép môi trường.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu được cụ thể hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhiều nội dung mới có thể làm phát sinh trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan. Đề nghị bổ sung quy định về thực hiện kiểm kê khí nhà kính; phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu; trồng rừng để hấp thụ các-bon; an ninh khí hậu; tích hợp giữa thích ứng với giảm nhẹ; liên kết vùng, tiểu vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng, của tổ chức, cá nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và soát xét lại Điều 151 để tránh trùng lặp với Điều 96 của dự thảo Luật.
Về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với quan điểm của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người và đạt mục tiêu người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thu hút đầu tư, do đó đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chất thải (Điều 104); rà soát quy định bảo đảm rõ ràng, cụ thể trong nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải, quản lý chất thải (Điều 105) để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.
Về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Nhiều nội dung về quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường nằm rải rác ở nhiều chương, điều khác nhau, cần xem xét kỹ nội dung để bảo đảm tính đồng bộ giữa yêu cầu và trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm. Đề nghị xem xét kỹ thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau của dự thảo Luật với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về hình sự, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về đầu tư; về bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển năng lượng tái tạo; về vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, v.v; thiết lập cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại được khởi kiện đòi bồi thường phù hợp với quy định pháp luật về dân sự và đặc thù của thiệt hại về môi trường.
Ngoài những vấn đề nêu trên, tại hội nghị thẩm tra còn có một số ý kiến về bảo vệ các thành phần môi trường như: không khí, đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường; quan trắc môi trường ...; đề nghị chỉnh sửa về bố cục, kỹ thuật văn bản; làm rõ nội hàm một số khái niệm, giải thích từ ngữ; nội dung của các điều luật; về tiếp cận công tác bảo vệ môi trường trong điều kiện mới của thế giới và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện nay. Dự thảo còn 49 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết trong 192 điều là khá lớn, đề nghị cần luật hóa tối đa các điều, khoản này trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách, nhưng Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy Hồ sơ dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.