Quốc hội Nhật Bản thông qua ngân sách bổ sung gần 41 tỷ USD cho tài khóa 2019
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2019 (kết thúc vào cuối tháng 3/2020) với tổng giá trị lên tới 4.470 tỷ yen (gần 41 tỷ USD).
Dự thảo này đã được Hạ viện thông qua hôm 28/1 và Thượng viện thông qua hai ngày sau đó.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi khoảng 2.310 tỷ yen trong ngân sách bổ sung để tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi các thảm họa thiên nhiên gần đây, trong đó có siêu bão Hagibis vào tháng 1/2019, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng để đối phó với thiên tai trong tương lai.
Bên cạnh đó, Tokyo sẽ chi 384,7 tỷ yen để tài trợ cho các dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng năng suất, và 231,8 tỷ yen để mua máy tính trang bị cho các trường tiểu học và trung học cơ sở trong thời gian từ nay tới tài khóa 2023 nhằm cải thiện công tác đào tạo công nghệ thông tin cho học sinh.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ trích 113,9 tỷ yen từ ngân sách bổ sung để chi trả cho chương trình hỗ trợ cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) mua ô tô có lắp đặt hệ thống an toàn tiên tiến nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn liên quan tới các đối tượng này.
Ngoài dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2019, trong kỳ họp thường niên hiện nay của Quốc hội, Chính phủ đã đệ trình dự thảo ngân sách cho tài khóa 2020 (bắt đầu vào đầu tháng 4/2020) với tổng trị giá 102.660 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay.
Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội hôm 20/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết nền kinh tế Nhật Bản vẫn “đang phục hồi khiêm tốn” nhờ nhu cầu trong nước.
Thị trường việc làm và thu nhập của người dân đang được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang phải đối mặt với “nhiều nhân tố bất ổn”, trong đó có tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bất chấp những khó khăn đó, ông Aso vẫn cam kết đưa Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững thông qua việc tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, ông cũng cam kết nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu thặng dư cán cân cơ bản vào tài khóa 2025 và cải thiện tỷ lệ nợ công/GDP.
Để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, ông Aso đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua hai dự thảo ngân sách trên./.