Quỹ bảo vệ môi trường sắp… hết tiền

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sắp cạn kiệt nguồn tiền trong bối cảnh quỹ này có quá nhiều dự án cần hỗ trợ và mức hỗ trợ cũng đang tăng nhanh chóng.

 Nhiều dự án năng lượng tái tạo được Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ. Trong ảnh (chỉ có tính họa) là tổ hợp điện gió - điện mặt trời của Trungnam Group tại Ninh Thuận.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo được Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ. Trong ảnh (chỉ có tính họa) là tổ hợp điện gió - điện mặt trời của Trungnam Group tại Ninh Thuận.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tổng nguồn vốn chủ sở của quỹ (nguồn cho vay) hiện có 1.166 tỉ đồng (vốn điều lệ được ngân sách cấp 733,787 tỉ đồng, còn lại từ Quỹ đầu tư phát triển) nhưng dư nợ cho vay là 765 tỉ đồng, số tiền cam kết tín dụng theo hợp đồng đã ký chưa giải ngân là 266 tỉ đồng.

Như vậy, quỹ này hiện chỉ còn 135 tỉ đồng để ký kết các hợp đồng tín dụng mới; trong khi hợp đồng tín dụng ký kết trước, sau một thời gian thực hiện hợp đồng mới tiến hành giải ngân.

“Quỹ sắp cạn kiệt nguồn vốn, không đủ để ký kết hợp đồng tín dụng mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nòng cốt của quỹ là cho vay với lãi suất ưu đãi để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Bộ TN-MT thể hiện trong một công văn gửi Thủ tướng.

Do đó, để bảo đảm đủ vốn hoạt động, ngay trong năm nay quỹ cần được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ 266,213 tỉ đồng (và bổ sung 432,28 tỉ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển), cấp bổ sung vốn tài trợ, hỗ trợ 46 tỉ đồng; đến năm 2022, quỹ cần được nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu ngày cao về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ TN-MT, do nguồn tài chính hạn chế, quỹ phải cân đối giữa nguồn vốn hiện có và điều này làm thu hẹp quy mô hoạt động và giảm hiệu quả hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường. Đối tượng cho vay của quỹ chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ; mức cho vay tối đa/dự án là 30 tỉ đồng (trước năm 2017), từ năm 2017 nâng lên 36,6 tỉ đồng/dự án cho vay.

Tính đến cuối năm 2018, quỹ đã cho vay 293 dự án với tổng số vốn 2.510 tỉ đồng; tài trợ cho 68 dự án và hoạt động bảo vệ môi trường với tổng số tiền 91,9 tỉ đồng; hỗ trợ giá điện gió nối lưới cho 5 dự án điện gió với số tiền 129 tỉ đồng; hỗ trợ hoạt động và dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) 3,1 tỉ đồng; trợ giá sản phẩm CDM (điện gió Bình Thuận) số tiền 67,6 tỉ đồng; thu lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) 44,92 tỉ đồng; vận động tài trợ 2,32 tỉ đồng...

Hồng Ngọc

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295372/quy-bao-ve-moi-truong-sap%E2%80%A6-het-tien.html