Quy định số 96 - thước đo năng lực cán bộ

Quy định số 96-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định số 96) của Bộ Chính trị khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Quy định này thay thế nhưng đã có sự kế thừa và phát triển so với Quy định số 262-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định số 262) của Bộ Chính trị khóa XI về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, với những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Quy định số 96-QĐ/TW cho thấy, phạm vi, đối tượng, quy trình cùng các bước thực hiện cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện khách quan, công tâm và kết quả sẽ là thước đo chính xác về năng lực của cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Chặt chẽ và nghiêm minh hơn

Trước hết, nội dung của Quy định số 96 đã có sự kế thừa Quy định số 262. Đồng thời, Quy định số 96 đã thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Chính vì thế, điểm mới khác biệt của Quy định số 96 so với các quy định trước đó là các điều, khoản đã được cụ thể hóa, chặt chẽ và nghiêm minh hơn.

Cụ thể, theo Quy định số 96 thì những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Còn đối với những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Trong khi đó, theo Quy định số 262, đối với những cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp chỉ được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Do đó, với những bổ sung mới trong Quy định số 96 được xem là thước đo quan trọng, phản ánh đúng năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo. Ngoài ra, nếu cán bộ tự nhận thấy không đảm nhiệm được chức vụ đó thì có thể chủ động xin từ chức, không nên để đến khi phiếu tín nhiệm quá thấp, bị miễn nhiệm hoặc bị yêu cầu từ chức. Từ những nội dung nêu trên cho thấy, Quy định số 96 đã đưa ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và nghiêm minh hơn. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm trong bộ máy cơ quan nhà nước và trong hệ thống chính trị. Đồng thời, quy định này đã “mở đường” cho văn hóa từ chức.

Cơ sở để điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm...

Điểm mới nổi bật thứ hai trong Quy định số 96 là đã cụ thể hóa các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, có 2 tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, là: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thời hiệu lấy phiếu tín nhiệm được tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu. Đồng thời, Quy định số 96 đưa ra tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Cùng với đó là sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

Trước đây chỉ xét đến bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm qua việc cán bộ đó có chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hay không. Nhưng trong quy định mới còn xét đến tiêu chí rộng hơn, đó là những yếu tố liên quan đến người thân trong gia đình cán bộ đó. Còn đối với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Quy định số 96 cũng đã bổ sung thêm tiêu chí về kết quả lãnh đạo trong công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách. Trong khi đó, Quy định số 262 chỉ quy định 2 nội dung lấy phiếu tín nhiệm, đó là: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.

Đặc biệt, với Quy định số 96, việc lấy phiếu tín nhiệm được xác định là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ và thực hiện định kỳ, vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Trong khi đó, tại Quy định số 262 thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang “tính chất tham khảo quan trọng”, mà đã trở thành nội dung quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Do đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm...

Làm gì và làm như thế nào?

Một điểm mới quan trọng nữa trong Quy định số 96, quy trình lấy phiếu tín nhiệm đã được đơn giản, rõ ràng, cụ thể và dễ thực hiện. Quy định số 262 chia đối tượng cán bộ phải lấy phiếu tín nhiệm làm 3 nhóm, gồm: Các ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ khác, thì trong quy định mới chỉ chia làm 2 nhóm. Cụ thể, nhóm một là các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị. Nhóm thứ hai là các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn. Đây sẽ là kênh thông tin rất quan trọng để giúp Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm gì và làm như thế nào để việc thực hiện Quy định số 96 đạt kết quả cao nhất? Trả lời câu hỏi này, ngay sau khi quy định mới được ban hành, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước cho rằng, trước và trên hết, chính bản thân cán bộ thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm không có tư tưởng vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Cùng với đó là cơ quan quản lý cán bộ cũng như tập thể nơi cán bộ thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đang công tác phải thực sự khách quan, công tâm và minh bạch trong việc nhận xét. Đặc biệt, khi cần thiết thì cơ quan chức năng có thể lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cán bộ đó đang sinh sống, để xem thái độ của người đó với cộng đồng ra sao, vợ con của người đó như thế nào. Và để làm được điều này, hồ sơ của cán bộ thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm cần được công khai đến những người có quyền bỏ phiếu đánh giá. Có như vậy thì các đại biểu mới có điều kiện để nghiên cứu và có căn cứ để đưa ra nhận xét, bỏ phiếu tín nhiệm một cách khách quan, trung thực và chính xác.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/142885/quy-dinh-so-96-thuoc-do-nang-luc-can-bo