Quy trình Mỹ sản xuất đạn pháo cho Ukraine
Quy trình sản xuất đạn pháo cung cấp cho Ukraine ở các nhà máy tại Mỹ gồm rất nhiều bước và khá phức tạp.
Kể từ khi bắt đầu chiến sự, mỗi ngày, lính Ukraine nã hàng ngàn quả đạn pháo do Mỹ sản xuất vào quân Nga. Tất cả những quả đạn pháo này được sản xuất ở những nhà máy phía đông bắc bang Pennsylvania. Nhà máy lâu đời nhất ở TP Scranton, bắt đầu sản xuất đạn pháo từ những năm 1950 cho chiến tranh Triều Tiên.
Tờ The New York Times đăng tải bài viết về quy trình sản xuất đạn pháo gửi cho Ukraine.
Ở lò rèn
Thép được đưa đến nhà máy ở dạng thanh dài khoảng 6 m, mỗi thanh nặng khoảng 907 kg. Ở trong xưởng rèn, cưa tự động sẽ thành những mảnh phôi thép chỉ dài hơn 0,3 m.
Một cánh tay rô bốt sẽ gắp các mảnh phôi thép này đưa vào các lò khí đốt tự nhiên nóng 2.000 độ trong khoảng 1 tiếng. Sau đó các phôi thép hình trụ nóng đỏ này sẽ được di chuyển trên băng chuyền để tới công đoạn tiếp theo.
Sau đó, các phôi thép sẽ chạy qua ba máy ép thủy lực để tạo lỗ và kéo dài cho đến khi độ dài gấp 3 lần.
Lúc này, các phôi thép là các ống dài khoảng 0,9 m, kín một đầu và được đưa xuống một băng chuyền và được làm nguội để xuống mức nhiệt độ phòng trong vòng 4 tiếng.
Công nhân thực hiện kiểm tra kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình sản xuất. Ở đây, vỏ đạn sẽ vượt qua cuộc kiểm tra trực quan.
Tại xưởng sản xuất
Trên sàn nhà máy, không gian được dọn dẹp, chừa chỗ cho máy móc mới để nhà máy Scranton có thể sản xuất nhiều vỏ đạn hơn nữa cho Ukraine.
Các vỏ đạn thô được làm nhẵn và kim loại thừa được loại bỏ. Công nhân hàn các dải đồng xung quanh đáy của lớp vỏ đạn. Một chiếc máy khác nhanh chóng làm nóng và ép phần của vỏ thành một mũi đạn thuôn nhọn. Đến công đoạn này thì các phôi thép đã trông giống như vỏ đạn pháo, nhưng vẫn còn nhiều công đoạn nữa mới thành phẩm.
Sau đó, bốn mươi vỏ đạn cùng lúc được cho vào khay rồi đưa vào lò nung để thực hiện quy trình xử lý nhiệt kéo dài 4 giờ giúp thép vỡ thành những mảnh nhỏ chết người khi quả đạn nổ. Cứ khoảng 45 phút, cửa lò mở ra và người ta có thể thấy một khay vỏ đạn đỏ rực.
Các vỏ đạn được hạ xuống bể dầu hơn 22.000 lít để làm nguội trước khi chất thành đống.
Sau đó các vỏ đạn được đánh bóng và rửa sạch. Một máy tiện sẽ chỉnh lại phần mũi của vỏ đạn để làm ngòi nổ.
Một lớp vỏ bảo vệ được quấn quanh dải hợp kim sáng bóng ở đế, sau đó phốt phát sẽ được phun vào vỏ để giữ cho chúng không bị rỉ sét.
Vỏ đạn sau đó được phun màu sơn xanh rêu được quân đội trên toàn thế giới sử dụng. Một băng chuyền mang vỏ đạn lên tầng trên, được làm nóng đến 225 độ để sơn có thể khô nhanh chóng.
Một số lượng nhỏ những vỏ đạn pháo này sẽ được gửi đến Xưởng vũ khí Picatinny ở bang New Jersey để kiểm tra.
Sau khi vượt qua bài kiểm tra đó, một lô gồm hàng nghìn vỏ đạn được chất lên xe tải và chở đến vùng nông thôn bang Iowa.
Từ vỏ đạn đến vũ khí
Những vỏ đạn rỗng sẽ được gửi đến các xưởng ở TP Middletown (Iowa) và sẽ được nạp đầy chất nổ, đóng gói và gửi đi.
Cơ sở hạ tầng và máy móc ở các xưởng này có tuổi đời khoảng 80 năm, được xây dựng để cung cấp đạn pháo chiến đấu với quân đội Đức và Nhật trong thế chiến thứ 2.
Các công nhân nâng các quả đạn pháo lên một giá đỡ và khắc các chữ cái IMX - Đạn dược không nhạy cảm (không dễ phát nổ khi bị tác động vô tình), lên vỏ.
Những người khác tháo nắp vận chuyển ở trên mũi đạn ra, kiểm tra nhanh ở bên trong ruột đạn bằng đèn pin, sau đó chuyển các viên đạn xuống một đường băng tải và tia laser khắc số lô mới trên mũi đạn.
Công nhân lắp một cái phễu kim loại vào mũi của mỗi quả đạn pháo.15 vỏ đạn được đặt trong 6 xe đẩy bằng kim loại màu vàng được nối với nhau bằng dây và được kéo bằng xe nâng.
Có 3 “lò nướng” ở phòng bên cạnh. Mỗi lò có thể làm nóng 2 chuỗi xe đẩy lớn tức là 540 vỏ đạn cùng một lúc để chuẩn bị cho bước tiếp theo của quy trình.
Lúc này, sẽ có công nhân đeo mặt nạ phòng độc và mặc đồ bảo hộ để làm việc trong tòa nhà ba tầng bên cạnh.
Ở tầng trên cùng của tòa nhà này, các mảnh thuốc nổ IMX-101 được đổ xuống máng và dẫn vào một thiết bị giống như chiếc ấm đun nước lớn ở tầng hai. Hơi nước làm ấm bình thép, làm chất nổ tan ra thành dòng chảy giống như dung nham rồi đổ vào vỏ đạn ở tầng trệt.
Ở khu vực này, tất cả các thiết bị điện tử, kể cả máy ảnh, đều bị cấm ở vì lo ngại tĩnh điện phân tán có thể khiến các hạt nổ trong không khí phát nổ. Trong quá khứ đã từng xảy ra tai nạn chết người ở đây.
Sau khi được ngâm trong bồn nước ấm để hạ nhiệt, đạn được đưa qua một lối đi có mái che để đến phòng chụp X-quang.
Chụp X-quang sẽ cho thấy có khoảng trống nào bên trong vỏ đạn có thể cản trở hoạt động của chúng trong chiến đấu hay không. Đây là một trong những khâu kiểm tra chất lượng cuối cùng của sản phẩm.
Khu vực này được bảo vệ bởi một bờ đất cao, đề phòng trường hợp cơ sở nạp chất nổ bên cạnh bất ngờ gặp sự cố cháy nổ.
Đóng gói
Sau nhiều tuần làm việc, đạn pháo đã gần hoàn thiện.
Trong dây chuyền lắp ráp cuối cùng, các công nhân làm sạch các ren ở mũi vỏ đạn, chèn một lớp lót bằng nhựa và cho vào một khối thuốc nổ nhỏ được bọc trong giấy bạc gọi là liều bổ sung.
Sau đó những viên đạn này sẽ được đem cân và in màu vàng gồm những thông tin quan trọng về loại đạn và thời gian sản xuất. Trên mũi đạn có dấu hiệu (như in nổi) để lính có thể xác định trọng lượng của đạn pháo vào ban đêm khi sờ vào.
Các nút nhựa nhỏ được vặn vào mũi vỏ. Chúng được thiết kế để tan chảy trong trường hợp khẩn cấp nếu đạn bắt lửa, cho phép chất nổ bên trong thoát khí để đạn không phát nổ.
Sau đó mỗi quả đạn sẽ được kê lên kệ (pallet) cùng với các quả đạn khác có cùng trọng lượng. Các kệ gồm 24 vỏ đạn được xe nâng nhấc lên và chuyển sang phòng bên cạnh, nơi các toa tàu đang đợi.
Một số quả đạn sẽ được gửi đến TP Yuma (bang Arizona) để lắp ngòi nổ và bắn thử. Nếu vượt qua bài kiểm tra, lô đạn sản xuất trong tháng đó sẽ được chấp thuận sử dụng và chứng nhận dùng trong chiến đấu. Hầu hết số đạn sẽ đến Ukraine.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-trinh-my-san-xuat-dan-phao-cho-ukraine-post718521.html