Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật

Một số quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật trong đời sống có thể có mối liên quan mật thiết đến vấn đề sở hữu trí tuệ.

ISO là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế (thegioididong.com)

ISO là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế (thegioididong.com)

Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) định nghĩa tiêu chuẩn là ‘‘một tài liệu được thiết lập thông qua sự đồng thuận và phê chuẩn bởi một tổ chức đã được thừa nhận. Tài liệu này quy định về cách sử dụng, những quy tắc, những hướng dẫn hoặc những đặc điểm thông thường và lặp đi lặp lại của các hoạt động, hoặc kết quả của những hoạt động này nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh nhất định”.

Có rất nhiều loại tiêu chuẩn để phục vụ các mục đích khác nhau. Các tiêu chuẩn làm cho cuộc sống trở nên đơn giản và an toàn hơn đối với người tiêu dùng, chúng làm tăng độ tin cậy và tính hiệu quả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt những tiêu chuẩn này hỗ trợ thương mại. Nói chung, các tiêu chuẩn được xây dựng để sử dụng một cách tự nguyện. Tuy nhiên, pháp luật và các quy định có thể buộc phải tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định.

Những trường hợp này liên quan đến các tiêu chuẩn về sức khỏe, độ an toàn hoặc môi trường. Nếu doanh nghiệp định bán sản phẩm ở nước khác, sản phẩm của doanh nghiệp phải phù hợp với những tiêu chuẩn về sức khỏe, độ an toàn và môi trường của nước đó. Hầu hết những cơ quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hoặc các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn đều có trang web, mà ở đó doanh nghiệp có thể tìm thấy danh sách những tiêu chuẩn hiện hành.

Sáng chế theo chuẩn mực và những quy định kỹ thuật

Tiêu chuẩn thường được xây dựng bởi các ủy ban kỹ thuật với một số cá nhân và chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan. Trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, các thành viên của ủy ban có thể nhận ra rằng, trong một số trường hợp, khi những người muốn đáp ứng được các tiêu chuẩn, họ có thể sẽ phải vi phạm độc quyền sáng chế.

Vì vậy, họ cần sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế để được áp dụng sáng chế đó, và điều đó có nghĩa là họ cần phải trả tiền cho việc sử dụng sáng chế theo hợp đồng li-xăng.

Theo nguyên tắc chung, rất nhiều cơ quan xây dựng tiêu chuẩn không khuyến khích sử dụng những công nghệ độc quyền hoặc công nghệ được bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn; họ chỉ ủng hộ việc sử dụng các công nghệ này trong các ‘‘trường hợp ngoại lệ’’ bởi ‘‘lý do kỹ thuật’’.

Trong trường hợp đó, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế về công nghệ là bên rất quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn. Ủy ban kỹ thuật của cơ quan xây dựng tiêu chuẩn có thể sẽ liên hệ với họ và đề nghị đàm phán hợp đồng li-xăng dựa trên các điều kiện và điều khoản hợp lý và bình đẳng. Cũng có những trường hợp mà để phù hợp với tiêu chuẩn có sẵn, doanh nghiệp có thể lựa chọn một loạt công nghệ thay thế mà phần lớn là sử dụng các công nghệ được bảo hộ sáng chế.

Cần phải hiểu rằng, để tuân thủ được những tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc kỹ thuật đã có, doanh nghiệp, cá nhân có thể sẽ phải sử dụng công nghệ được bảo hộ sáng chế. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần được chủ sở hữu li-xăng bằng độc quyền sáng chế đồng ý. Đôi khi, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế có thể đồng ý cấp li-xăng miễn phí, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.

Ví dụ

Những tổ chức xây dựng tiêu chuẩn có thể giải quyết những vấn đề này theo các cách rất khác nhau. Ví dụ, Viện Kỹ thuật điện và điện tử (IEEE) cho rằng công nghệ được bảo hộ sáng chế có thể được đưa vào tiêu chuẩn của IEEE với điều kiện phải có bản lý giải kỹ thuật. Nhóm làm việc của IEEE có thể gửi cho chủ sở hữu của ‘‘sáng chế thiết yếu’’ một yêu cầu thư bảo đảm. Trong thư bảo đảm, chủ sở hữu sáng chế có thể sẽ thực hiện một trong số ba điều sau:

+ Khẳng định sẽ không sử dụng sáng chế của mình để chống lại những người áp dụng tiêu chuẩn.

+ Cung cấp li-xăng miễn phí và không phân biệt đối xử với những điều kiện và điều khoản hợp lý.

+ Cung cấp li-xăng mà không phân biệt đối xử về mức giá, điều kiện và điều khoản hợp lý.

Nhóm làm việc của IEEE sẽ không phải là bên đánh giá mức độ hợp lý của các điều kiện và điều khoản của một hợp đồng li-xăng, mà thay vào đó các công ty muốn tuân thủ tiêu chuẩn cần phải trực tiếp đàm phán hợp đồng li-xăng với chủ sở hữu sáng chế.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hiểu luật chơi để có thể đàm phán được những điều khoản khả thi nhất đối với công nghệ độc quyền đó – đây là điều rất quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn dù những tiêu chuẩn đó là tự nguyện hay bắt buộc.

Các tiêu chuẩn phổ biến

Trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử (ví dụ, trường hợp của Intel và Microsoft) có rất nhiều tiêu chuẩn theo thông lệ, tương tự với những tiêu chuẩn chính thức được các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế quy định. Trong những trường hợp đó, doanh nghiệp có thể bị ‘‘buộc phải’’ sử dụng những công nghệ độc quyền hoặc công nghệ được bảo hộ sáng chế nếu việc phát triển, sản xuất, phân phối hoặc tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp phụ thuộc vào công nghệ theo tiêu chuẩn thông lệ.

Nếu sản phẩm của doanh nghiệp có sử dụng bất kỳ dạng công nghệ độc quyền nào, doanh nghiệp cũng cần phải xin phép và ký một hợp đồng li-xăng với chủ sở hữu công nghệ, kể cả khi công nghệ đó liên quan đến tiêu chuẩn theo thông lệ. (Nếu doanh nghiệp thấy mình bị ‘‘bắt buộc’’ phải sử dụng công nghệ và chủ sở hữu sáng chế của công nghệ chuẩn thực tế đó không cho phép doanh nghiệp được tiếp cận công nghệ được bảo hộ sáng chế, hoặc cho phép tiếp cận nhưng với những điều khoản vô lý thì doanh nghiệp có thể sẽ phải áp dụng những biện pháp chống cạnh tranh, điều này có thể được thực hiện theo pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền ở một số nước cụ thể).

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/quyen-so-huu-tri-tue-lien-quan-den-cac-quy-dinh-va-tieu-chuan-ky-thuat-1658432163147.htm