Quyết liệt, chủ động thực hiện công tác tài chính, ngân sách những tháng cuối năm 2024
Ngày 16/8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1376/UBND-KTTH gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác tài chính, ngân sách (TC-NS) những tháng cuối năm 2024.
Ngày 16/8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1376/UBND-KTTH gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác tài chính, ngân sách (TC-NS) những tháng cuối năm 2024.
UBND tỉnh đánh giá, nhiệm vụ TC-NS trong những tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả quan trọng, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và so với cùng kỳ; chi ngân sách cơ bản đáp ứng được hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở… Tuy vậy, còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ nợ đọng thuế còn cao; thu tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; nguồn lực huy động từ đất đai chưa được sử dụng kịp thời, hiệu quả…
Để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND tỉnh quyết định, tạo điều kiện thuận lợi góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các chỉ thị, kế hoạch, quyết định của UBND tỉnh về công tác TC-NS năm 2024. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; triệt để xử lý, thu hồi nợ đọng thuế…
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; phát huy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt và thúc đẩy đầu tư; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân. Triển khai kịp thời, hiệu quả quy hoạch tỉnh, các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt với các nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành cụ thể, bảo đảm dễ thực hiện, dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ giám sát...
Chủ động, quyết liệt đẩy mạnh công tác phối hợp, phát huy trách nhiệm người đứng đầu của các cấp chính quyền; sở, ban, ngành chuyên môn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo thẩm quyền đã được phân cấp và chức năng, nhiệm vụ được giao...
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực TC-NS; tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Quản lý chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Phấn đấu tăng thu ngân sách, các nguồn thu sự nghiệp để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách. Tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội gắn với tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị. Các huyện, thành phố chủ động sử dụng dự phòng và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định, chỉ đề xuất ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ sau khi đã sử dụng hết các nguồn lực tại địa phương…
P.V (TH)