Ra mắt cuốn sách về Toàn quyền Đông dương Paul Doumer, người quyết định xây dựng cây cầu Long Biên huyền thoại
Khi nhắc đến Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), người Việt Nam thường nhớ đến cây cầu Long Biên, Hà Nội. Tuy nhiên, các tài liệu về ông còn khá sơ sài. Vì thế, sự xuất hiện của cuốn sách 'Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, bàn đạp thuộc địa' do NXB Thế giới phát hành, sẽ cung cấp tới độc giả nhiều thông tin về một giai đoạn lịch sử đã qua của đất nước.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer có 2 đóng góp lớn đối với Việt Nam. Thứ nhất, những công trình cơ sở hạ tầng lớn như những cây cầu huyền thoại: Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn), càng Hải Phòng, và nhất là đường sắt (hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam) mà ông cho triển khai ở Việt Nam.
Thứ hai, ông đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa và khoa học, ngoài khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đà Lạt, ông đã lập ra nhiều học viện nghiên cứu (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang) mang mục đích phát triển dài lâu tại Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam muốn tìm hiểu nhiều hơn về ông nhưng ít có tài liệu nào ghi chép. Cuốn sách "Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, bàn đạp thuộc địa" là một trong số những tác phẩm hiếm hoi đó được tác giả Amaury Lorin viết và xuất bản với tên tiếng Pháp là “Paul Doumer, gouverneur général de l’Indochine (1897-1902): le tremplin colonial", do nhà xuất bản L’Harmattan (Paris) ấn hành trong bộ sách Recherches asiatiques (Nghiên cứu châu Á), ra mắt năm 2004.
Công cuộc thực dân hóa của Pháp có vô vàn khoảng tối cũng như điểm sáng, nó tích cực đối với một số đông này và tội lỗi với số đông khác, nó đã làm dấy lên ở nước Pháp những cuộc tranh luận nảy lửa, đôi khi thành những cuộc luận chiến. Có hai vấn đề đã thúc đẩy tác giả biên soạn cuốn sách này. Thứ nhất, khoản nợ chính xác của Đông Dương thuộc Pháp (1858-1954) trong năm năm nhiệm kỳ của Paul Doumer (1897-1902) là bao nhiêu, có hợp lý khi cho đó là một “bước ngoặt lớn” hay không? Thứ hai, đâu là vai trò ngược lại của Đông Dương đối với sự hình thành, chín muồi của Paul Doumer về mặt cá nhân cũng như bản lĩnh chính trị, người được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Pháp năm 1931?
Viết cuốn lịch sử lý thú này, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc Địa và các kho tư liệu của Chính quyền Đông Dương được chuyển về lưu trữ ở Pháp, Amaury Lorin đã làm sáng tỏ một trang sử thuộc địa Pháp, cho đến nay chưa được nhiều người hiểu một cách tường tận một thời kỳ, đặc biệt về một nhân vật đầy phức tạp với một nghị lực đáng kinh ngạc và một sự nghiệp có một không hai.
Cuốn sách này sẽ cố gắng góp phần giúp độc giả có thêm nhiều hiểu biết về về một giai đoạn bản lề hết sức đặc biệt xét ở mọi phương diện đối với lịch sử của Việt Nam, Campuchia, Lào trong thời kỳ thuộc địa, và rộng hơn nữa là đối với lịch sử của nước Pháp thực dân. Đó chính là thời khắc thiết lập bộ máy khai thác hợp trên cõi Đông Dương sau khi cuộc chinh phục quân sự kết thúc (mà sau này được thay bằng từ bình định) và trước khi sứ mệnh kiến thiết bắt đầu.
Tại Pháp, cuốn sách này được trao hai giải thưởng: giải Auguste Pavie (Prix Auguste Pavie) của Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại năm 2005 và giải của Hội Nhà văn chiến binh (Prix des écrivains combattants) năm 2006.
Tác giả Amaury Lorin sinh năm 1972 tại Angers (Pháp). Tốt nghiệp cao học ngành Sử học đương đại (Viện Nghiên cứu Chính trị Paris - IEP), đã thực hiện nhiều chuyến đi khảo cứu tại các nước Đông Dương cũ, đặc biệt tại Việt Nam và Campuchia. Hiện là Tiến sĩ lịch sử tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris.