Sách
Tôi có anh bạn, thuộc hàng 'đại gia', bỗng một hôm anh nhờ mua giúp vài cuốn sách. Có chút ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn hỏi lại xem ý anh muốn tìm sách mảng nào, văn học hay kỹ thuật và lựa cho ai đọc?
Anh vô tư bảo: Cái bàn salon ở phòng khách nhà anh được bên thiết kế nội thất tư vấn cần đặt thêm vài cuốn sách thì sẽ đẹp và sang hơn ấy mà. Cứ kiếm cho anh ít cuốn đắt tiền, nhiều hình ít chữ thôi, nhưng nhất định phải khiến cho chốn tư gia thêm phần trang trọng!
Cuối cùng, tôi cũng tìm được cho anh vài tập sách về Đà Nẵng, phố cổ xưa và nay, đạt tiêu chí “ít chữ nhiều hình”, khiến anh vô cùng ưng ý. Anh hỉ hả nói, hồi bé anh cũng từng đọc… truyện chưởng đấy, nhưng bây giờ bận rộn quá, nên sách vở trở thành xa lạ. Sao bây giờ nhiều tên tác giả kỳ quái, nửa Tây nửa Việt, hoặc nhang nhác giống mấy nhân vật ngôn tình kiếm hiệp trong phim Tàu.
Tôi thật chẳng biết phải trả lời một người đàn ông đã quá lâu không còn lật giở tới mấy trang giấy mang tên là “sách” ấy như thế nào. Đành nói nước đôi rằng, bây giờ nhiều đối tượng đọc sách khác nhau, nhu cầu sở thích đa dạng lắm, nên sách cũng là một thị trường, không đơn điệu hay đơn giản như thời xưa…
Quả thực, sách nay đẹp quá. Giấy trắng giấy vàng, bìa sang chảnh hoặc lãng mạn, tên sách rất kêu hoặc vô cùng khêu gợi. Cỡ nào, gu đọc nào cũng có. Sách không còn mắc mỏ, hiếm hoi, xa xỉ như xưa, mà rẻ đến xót người, lại càng không đơn thuần chỉ dùng để đọc.
Tôi hình dung ra những tủ sách đồ sộ, chứa đựng những cuốn kinh điển khó nhằn lẫn nổi tiếng đình đám, đoạt giải thế giới này nọ. Chủ nhân hiếm khi nào chạm tay tới chúng, mà chủ yếu để “sô diễn” với thiên hạ.
Nghe hài thật đấy, nhưng chẳng phải là không có, nhất là trong bối cảnh người ta bắt đầu phú quý sinh lễ nghĩa, và không mấy ai có tiền mà chịu kém cạnh trong việc khoác lên mình chiếc áo trí thức sành điệu…
Từng có đôi lần, tôi bắt gặp các cô gái trẻ, trang điểm kỹ lưỡng, ăn diện lộng lẫy ở đường sách thành phố. Họ cầm vài ba cuốn sách trên tay, tạo dáng chụp ảnh. Có cả một ê kíp đi theo để tư vấn lên hình sao cho “chất” nhất. Có người lướt qua, buông câu thầm thì: Biết đâu giá trị sẽ tăng thêm nhờ mấy tấm hình chụp ở đường sách… Nhưng ít ra thì cũng mừng, vì trong suy nghĩ mỗi người, vị trí của sách vẫn được đánh giá cao.
Cái thói quen trước khi đi đâu đều đứng tần ngần lựa một hai cuốn sách ưng nhất để mang theo đã dần xa. Từng có lần trong một chuyến đi, tôi bắt gặp một cô gái trẻ đọc sách trên thiết bị điện tử, gọi là “máy đọc sách”.
Điều khiến tôi buồn cười nhất chính là ý nghĩ của bản thân: Dẫu sao vẫn còn hơn là không đọc! Từng có người bạn kể rằng, vừa mới lỡ miệng hỏi thăm xem con cái nhà bên ấy hay đọc sách gì.
Bạn nhận lại cái nhìn tổn thương dành cho kẻ ngớ ngẩn, lạc hậu: “Chúng nó đâu thèm đọc sách!”. Đáng buồn hơn hẳn so với việc trân quý bỏ tiền ra mua sách, dẫu dùng trang trí hay để khoe, hay lâu lâu mới đọc vài dòng thì vẫn tốt hơn là người ta hoài nghi với câu hỏi đáng buồn: Mua sách về làm gì, có ai đọc đâu?!
Thôi đừng quá nặng nề, hãy cứ hồn nhiên mà yêu sách, đọc trên mạng, online, hay hưởng cái thú lật từng trang giấy sột soạt thơm tho cũng đều tốt!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sach-615366.html