Sai lầm dễ mắc phải khi bày ngũ quả ngày Tết khiến tiền ra, xui rủi đến
Bài trí mâm ngũ quả trong ngày Tết ngoài việc thành tâm, các chuyên gia phong thủy cho rằng, có những quy tắc bài trí mọi người không nên phạm phải khiến 'tiền thì ra còn xui rủi lại kéo đến'.
Mâm ngũ quả thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên. Ngoài ra, ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa, để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng. Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần để “thiết kế” nên mâm ngũ quả.
Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả gồm các loại quả phổ biến: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, quất, đu đủ, thanh long hoặc táo. Khi bày mâm, người Bắc thường chọn số lượng quả là số lẻ, không chọn số chẵn.
Bày chính giữa là nải chuối ôm trọn quả bưởi hoặc quả phật thủ. Cài đan xen xung quanh là những quả quýt vàng, bên trên là những quả khác sao cho “tay chuối” ôm trọn tạo sự sum suê bề thế.
Trong khi đó, người miền Trung không quá cầu kì hay thiên về hình thức của mâm ngũ quả nên chủ yếu “có gì cúng nấy” thành tâm và kính bái đối với tổ tiên. Mâm ngũ quả bao gồm chuối, mãng cầu, sung, dưa hấu, dứa, đu đủ, xoài,.. và một số loại quả khác tùy theo mỗi nhà.
Do đó mà cách bày trí cũng đơn giản tùy thuộc vào thẩm mỹ của mỗi người. Có thể bài trí mâm ngũ quả như người miền Bắc hoặc dứa đặt cao nhất, bao quanh là xoài, thanh long và táo, nho đặt dải ngang và quýt bày xung quanh. Nhìn chung rất phong phú.
Trái ngược với người miền Trung, người miền Nam khá cầu kì và kén chọn các loại quả sẽ xuất hiện trên mâm ngũ quả của họ ngày Tết. Miền Nam không sử dụng các loại quả như chuối do đồng âm với từ “chúi” (thể hiện sự khó khăn trong làm ăn, cuộc sống), phật thủ, táo, cam. Mâm ngũ quả người miền Nam thường sử dụng 5 loại quả chính như: Xoài, dừa, mãng cầu xiêm, sung, đu đủ. Ngoài ra còn có dưa hấu tượng trưng cho lòng trung trực, nghĩa khí của người phương Nam.
Tuy nhiên, dù là người miền nào, thì cũng có những nguyên tắc về phong thủy, tâm linh mà khi bày mâm ngũ quả mọi người cần lưu ý. Nhiều người cho rằng, bày mâm ngũ quả chỉ cần thành tâm là được. Điều này cũng không hoàn toàn sai. Tuy nhiên, cần phải tránh những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa... là những loại quả kiêng kỵ đặt trên mâm ngũ quả ngày Tết. Theo quan niệm của người xưa, ban thờ là nơi thiêng liêng không nên để những gì quá nặng mùi, sắc nhọn. Do đó, khi sắp lễ cúng, các gia chủ nên chọn những trái cây có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh mát.
Gia chủ tuyệt đối không nên đặt hoa quả giả lên thờ cúng. Mặc dù hoa quả giả để được lâu, không lo thối hỏng, tuy nhiên lại không tốt về mặt tâm linh. Theo các chuyên gia phong thủy, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ ngày Tết bị coi là không tôn trọng thần linh, gia tiên, dễ bị "quở trách" khiến tiền tài thì ra, xui rủi thì đến.
Ngoài ra, gia chủ cần chú ý không nên rửa sạch hoa quả trước khi bày biện vì sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước, chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được. Bên cạnh đó, nên chọn hoa quả ương, xanh, không nên bày hoa quả chín vì để lâu trên ban thờ khói nhang, rất dễ khiến hoa quả chín nhanh chóng bị thối hỏng.
Đăng Duy (Tổng hợp)