Sáng 25/7 thêm 3.979 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM có 2.328 trường hợp
Sáng 25/7, Bộ Y tế cho biết có 3.979 ca mắc mới COVID-19 với 6 ca nhập cảnh và 3.973 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 922 ca trong cộng đồng). Tính đến sáng ngày 25/7, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2.328 ca), Bình Dương (881), Tiền Giang (218), Đồng Nai (134), Tây Ninh (127), Khánh Hòa (82), Vĩnh Long (50), Bến Tre (33), Cần Thơ (18), Trà Vinh (17), Kiên Giang (17), Đà Nẵng (16), Phú Yên (14), Hà Nội (11), Sóc Trăng (9), Bình Phước (6), Bắc Ninh (4), Hậu Giang (3), Đắk Nông (2), An Giang (2), Nghệ An (1).
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình.
Bộ Y tế cho biết hiện tổng số ca được điều trị khỏi: 17.583 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Từ 27/4 đến nay Việt Nam đã xét nghiệm 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.
Trong ngày 24/7 có 57.908 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.
Bộ Y tế đã thành lập Tổ điều phối nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh do Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức hướng dẫn các quận, huyện tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 và thay đổi mô hình điều trị COVID-19 từ “tháp 4 tầng” sang “tháp 5 tầng”.
Theo đó, tầng 1 là cơ sở cách ly tập trung cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì. Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng và các bệnh nền kèm theo. Tầng 3 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Tầng 4 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh nền hoặc bệnh lý đi kèm. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức COVID-19 cho F0 có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Trong mấy ngày gần đây một số cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh việc tổ chức triển khai tiêm chủng của một số đơn vị chưa đảm bảo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; Ban chỉ đạo Chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương chấn chỉnh ngay việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo: an toàn tiêm chủng; an toàn phòng chống dịch bệnh; thực hiện đúng quy định về giãn cách; phân chia khung thời gian để tránh tình trạng tập trung đông người.
Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tự kiểm tra, đánh giá, rà soát, khắc phục ngay các nguy cơ chưa an toàn theo hướng dẫndẫn tại Quyết định số 3518/QĐ- BYT ban hành Tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Văn bản khẩn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 về Cơ quan thường trực Tiểu ban An toàn tiêm chủng.
Tính đến 6h ngày 25/7, cả thế giới có 194.475.682 ca mắc, trong đó 176.414.086 khỏi bệnh; 4.167.001 tử vong và 13.894.585 đang điều trị (82.860 ca diễn biến nặng). Trong ngày 24/7, số ca mắc của thế giới tăng 458.107 ca, tử vong tăng 7.258 ca. Châu Âu tăng 107.162 ca; Bắc Mỹ tăng 58.163 ca; Nam Mỹ tăng 62.707 ca; châu Á tăng 204.443 ca; châu Phi tăng 25.445 ca; châu Đại Dương tăng 177 ca. Tại Đông Nam Á, trong ngày 24/7 ghi nhận 83.062 ca, trong đó: Indonesia tăng 45.416 ca, Malaysia tăng 15.902 ca, Thái Lan tăng 14.260 ca, Philippines tăng 6.216 ca, Campuchia tăng 860 ca, Singapore tăng 130 ca, Lào tăng 278 ca.