Sáng tạo trong đánh giá học sinh từ Thông tư 26

Thông tư 26 đã có hiệu lực thi hành. Giáo viên thỏa sức sáng tạo, trong khi học sinh hào hứng khi được đánh giá bằng nhiều hình thức.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và HS THPT ban hành kèm theo Thông tư 58 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo đó, Thông tư 26 có một số nội dung nổi bật như việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm…

Học sinh thích thú được khám phá, trải nghiệm

Vừa hoàn thành bộ giới thiệu sản phẩm dự án Saigon by bus cho môn lịch sử, em Triệu Hoàng Kim Loan, HS Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cảm thấy rất hào hứng.

Dự án Saigon by bus khuyến khích HS sử dụng các xe công cộng sẵn có để trải nghiệm, khám phá những di tích lịch sử và thành tựu về mặt kiến trúc của TP. Sau quá trình thực tế, các em sẽ làm sản phẩm để lấy điểm.

Kim Loan cho biết việc thực hiện dự án khác biệt rất lớn so với bài kiểm tra bình thường. Khi làm kiểm tra, em chỉ nắm vấn đề rồi làm bài. Tuy nhiên, với dự án các yêu cầu để thực hiện giúp em học hỏi được nhiều điều như kỹ năng làm việc nhóm, chụp ảnh và đặc biệt là trải nghiệm được các loại hình xe buýt mà trước giờ em chưa thử.

Là “chủ xị” của dự án, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết Saigon by bus là dự án môn lịch sử của cụm 1 gồm chín trường THPT ở quận 1 và quận 3.

Đa dạng hình thức đánh giá HS, trong đó có việc thực hiện dự án đã được nhà trường triển khai từ nhiều năm trước và luôn nhận được sự ủng hộ từ ban giám hiệu. Nếu những năm trước, HS làm dự án chỉ được lấy điểm kiểm tra thường xuyên thì với Thông tư 26 đã có hiệu lực, nhà trường cho phép sử dụng dự án này để lấy điểm hệ số 2. “Do có hành lang pháp lý nên giáo viên mạnh dạn thay đổi đánh giá. HS thích thú tham gia” - thầy Du nói.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, chia sẻ Thông tư 26 đã được nhà trường triển khai ở tất cả các môn. Đối với môn văn, không chỉ kiểm tra viết, giáo viên còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, hoạt động nghiên cứu bài học để đánh giá các em.

Là một người luôn sáng tạo, đổi mới nên khi Thông tư 26 có hiệu lực, cô Nguyễn Bích Chi, giáo viên Trường THCS Vân Đồn, quận 4, đã áp dụng cho học trò của mình. Cụ thể, với các bài kiểm tra thường xuyên, cô sẽ cho HS làm một bài bằng hình thức trực tuyến, ba bài còn lại thông qua những chủ đề nhỏ để kiểm tra năng lực của các em. Có thể các em sẽ bàn về chủ đề điện thoại thông minh. Theo đó, các em sẽ thuyết trình về những mặt lợi hại của nó. Qua hoạt động này sẽ đánh giá được năng lực trình bày của các em.

Việc đa dạng hình thức đánh giá học sinh đã được Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 triển khai từ nhiều năm trước. Ảnh: KB

Việc đa dạng hình thức đánh giá học sinh đã được Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 triển khai từ nhiều năm trước. Ảnh: KB

Học sinh học được nhiều điều từ cách đánh giá mới
Cách đánh giá mới sẽ khiến giáo viên và HS vất vả hơn nhưng đổi lại sản phẩm làm ra sẽ chất lượng và HS sẽ học được nhiều điều so với trước. Giáo viên cũng chủ động hơn trong quá trình giảng dạy.
Thầy PHẠM LÊ THANH, giáo viên một trường tại quận Tân Phú, TP.HCM

Phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá

Bà Lê Thị Tuyến Như, Hiệu trưởng Trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp, cho hay ngay khi có thông tư, nhà trường đã triển khai cho các giáo viên từ đầu năm học. Trong buổi họp phụ huynh, vấn đề này cũng được nhà trường đề cập.

“Trường cũng đang xây dựng quy chế đánh giá và hướng dẫn giáo viên đa dạng các hình thức kiểm tra. Ngoài kiểm tra giấy việc làm dự án, thuyết trình, sản phẩm cũng được các giáo viên thực hiện để đánh giá cho các em. Với thông tư này, sẽ có những cái giáo viên phải thay đổi từ từ. Và suy nghĩ của phụ huynh và HS về việc học cũng phải đổi mới” - bà Như nói.

Về vấn đề này, thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên một trường tại quận Tân Phú, cho rằng Thông tư 26 theo định hướng kiểm tra, đánh giá tư duy mở. Do đó, nhà trường để các tổ bộ môn tự lên kế hoạch kiểm tra nhưng phải đồng bộ. Có nghĩa là trong một khối, xây dựng kế hoạch đánh giá như thế nào thì giáo viên các lớp phải thực hiện như thế đấy. Thường sẽ đánh giá HS qua dự án kết hợp với sản phẩm qua những buổi học STEM.

“Cái khó nhất là phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá để tạo sự đồng bộ. Với bộ tiêu chí đó, giáo viên sẽ biết đánh giá HS như thế nào. Bản thân HS cũng nắm được tiêu chí, từ đó có căn cứ để thực hiện sản phẩm” - thầy Thanh nhấn mạnh.

Rà soát, điều chỉnh quy chế kiểm tra, đánh giá của trường
Các trường rà soát và điều chỉnh quy chế kiểm tra, đánh giá của trường theo quy định của Thông tư 26. Về số điểm kiểm tra, đánh giá thực hiện đúng theo Điều 8 của Thông tư 26.
Việc áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá, số lần thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá, định kỳ phải quy định cụ thể trong quy chế kiểm tra, đánh giá nhà trường và trong kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm môn học; nhà trường và giáo viên công khai các quy định về hình thức kiểm tra, đánh giá, số lần thực hiện kiểm tra, đánh giá cho HS biết để thực hiện và cha mẹ HS biết để phối hợp.
Sở GD&ĐT TP.HCM

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/sang-tao-trong-danh-gia-hoc-sinh-tu-thong-tu-26-949267.html