Sau cánh cổng làng...
Nằm men theo chân núi Tử, mặt nhìn ra sông Mã, làng Ngói (xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa) như biết bao làng thuần nông, vẫn 'sống' một đời sống bình lặng. Ngay cả những cụ cao niên nhất cũng không nhớ làng được hình thành từ bao giờ. Họ chỉ nghe kể lại rằng, thuở ban đầu, có một vài người làm nghề chài lưới đã tìm lên đất này dựng nhà tạm để có nơi đi về hôm sớm. Dần dà, người ta khai hoang, trồng lúa nước, ổn định cuộc sống rồi dựng nên xóm làng. Làng ban đầu có tên là Ngư Võng Phường, về sau đổi thành làng Ngư Lăng, rồi Nhân Cao (tục gọi là làng Ngói) như ngày nay.
Cổng làng Nhân Cao (xã Thiệu Quang, Thiệu Hóa).
Khi chúng tôi lớn lên, cái nghề chài lưới xa xưa từng nuôi sống tổ tiên mình, đã chẳng còn dấu vết. Chỉ có sông Mã trước làng vẫn quanh năm ăm ắp nước và miệt mài chở nặng phù sa về bồi đắp cho cánh bãi rộng dọc triền đê bao quanh làng. Cũng nhờ cánh bãi ấy mà làng sớm có nghề trồng dâu chăn tằm và cái nghề “ăn cơm đứng” này đã nuôi lớn mấy thế hệ người sinh ra từ bờ tre, mái rạ. Nhưng rồi, cũng con sông ấy đã không ít lần mang đến tai họa cho làng. Tôi nhớ một năm lũ về. Nước lớn ra sức thúc vào triền đê, khiến con đê còi cọc vỡ toang một mảng rộng hoác. Gần nửa làng bị lụt, nước leo mấp mé chóp ngói, tiếng kẻng inh tai, tiếng người gọi í ới, người chạy lụt, kẻ hộ đê... Chừng ấy âm thanh mùa lũ đã xáo trộn cuộc sống vốn bình lặng của làng và hằn vào tâm thức những đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới.
Ấy thế nhưng, cũng dòng sông có lúc cáu bẳn, có khi hiền hòa ấy là cái nôi giúp hình thành nên cho làng một đời sống văn hóa sông nước đậm đà. Làng có lễ hội truyền thống diễn ra từ 30 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng, gắn với nhiều nghi lễ, trò chơi, trò diễn độc đáo như chèo chải, múa đèn... Làng còn có nhiều tục lệ thú vị như tục lấy nước thờ; tục kiêng ăn cá gáy (cá chép) vào tháng Giêng và tháng Hai; tục giã bánh dầy vào mùng 4 tháng Giêng; tục rước cây phan vào 12 tháng Giêng; tục kết chạ với làng Chè Hạ (xã Hoằng Khánh trước đây, nay là xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa)... Đặc biệt, gắn với sự ra đời và tồn tại của làng là các công trình tín ngưỡng – tâm linh gồm đình, phủ, chùa, miếu, nghè thượng, nghè hạ, văn chỉ thờ đức Khổng Tử và võ chỉ thờ Thánh sư nghề vật. Làng còn thờ tứ vị Đức thượng thần, đặc biệt là Đức Thánh Cả - người có công lớn và gắn bó với vận mệnh của làng – đã được Vua Lê Hiển tông, niên hiệu Cảnh Hưng 1740 ban 2 đạo sắc phong... Thật ra, bấy nhiêu di sản văn hóa giờ chỉ còn trong trí nhớ người già. Vì khi chúng tôi biết nhìn mặt chữ thì những đình, chùa, miếu mạo đã chẳng còn bóng dáng.
Cùng với sự chuyển động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, cánh cổng làng cũng dần mở rộng để đến gần hơn với thế giới bên ngoài. Cách thức sản xuất tự cấp tự túc và nếp sinh hoạt văn hóa của làng cũng dần thay đổi. Đặc biệt, khi công cuộc xây dựng nông thôn mới được triển khai, làng đã có sự thay da đổi thịt trông thấy. Đời sống người dân ngày càng khá giả và ruộng nương bờ bãi đã chẳng còn là nỗi lo toan sớm chiều. Cổng làng mới được xây bề thế hơn; đường sá phong quang, sạch sẽ; trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa – thể thao được xây dựng; đình chùa được tu sửa để đáp ứng đời sống tín ngưỡng – tâm linh... Nhịp sống bình yên và ngày càng no ấm ấy, cũng là bức tranh làng quê đổi mới, mà những con người đã gắn bó cả đời với bãi bờ, đồng ruộng vẫn thường ao ước.
Xây dựng nông thôn mới cũng ví như làm một cuộc cách mạng trong nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Song, muốn cách mạng đi đến thành công, bên cạnh phát triển sản xuất làm nền tảng, thì kiến tạo nên một nông thôn văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa cũng là một “mũi giáp công” vô cùng quan trọng. Điều này trước hết được minh chứng qua Bộ tiêu chí nông thôn mới, khi lĩnh vực văn hóa có tới 2 tiêu chí (tiêu chí 6 và tiêu chí 16). Đặc biệt, để được xác định “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” còn dựa trên những quy định chặt chẽ, với biên độ rộng và đi vào chiều sâu. Đó là việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo phải xuống dưới mức bình quân chung của tỉnh/thành phố; là thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; là phong trào phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội; phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện; an toàn giao thông; là chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương...
Ngót một thập kỷ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Thanh Hóa đã có 317 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 787 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 27 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Điều đáng ghi nhận hơn, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đó là xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, đã và đang thay đổi cơ bản tính chất thuần nông, khép kín, biệt lập của kinh tế nông thôn và mô hình làng xã truyền thống. Đặc biệt, những thành quả đạt được đã cho ta những hình dung ban đầu về diện mạo nông thôn mới. Đó là dáng dấp những “miền quê đáng sống”, dựa trên các trụ cột cơ bản là sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ...
Khu vực nông thôn giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất nông nghiệp, cân bằng sinh thái và bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Đó cũng đồng thời là các trụ cột kinh tế - môi trường - văn hóa, giúp cho nông thôn phát triển hài hòa và bền vững. Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, các trụ cột trên cũng được chú trọng đúng như vai trò của nó. Phía sau nhiều cánh cổng làng tưởng chừng bình yên, là các tai, tệ nạn xã hội vẫn ngấm ngầm tồn tại, gia tăng; tình trạng mai một các giá trị văn hóa truyền thống; sự lung lay các giá trị gia đình do bạo lực giới, xâm hại trẻ em; sự “lệch chuẩn” các giá trị đạo đức... Đặc biệt, một vấn đề nổi cộm ở nông thôn hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, môi trường nông thôn hiện đang chịu sức ép ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia chăn nuôi một cách bừa bãi; các loại chất thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề chưa được xử lý triệt để. Thực trạng này không chỉ tác động xấu và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân; mà còn gây thiệt hại về kinh tế và làm gia tăng các xung đột môi trường...
Phía sau mỗi cánh cổng làng là một cộng đồng người gắn kết với nhau bằng nhiều mối quan hệ ràng buộc khăng khít. Do vậy, để giữ gìn sự bình yên cho làng quê, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội...; thiết nghĩ, chính cộng đồng ấy phải phát huy được vai trò, trách nhiệm chủ thể - làm chủ của mình. Có như vậy thì kết quả từ quá trình xây dựng nông thôn mới, mới thực sự tạo ra các giá trị cao hơn về chất cho nông thôn.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/sau-canh-cong-lang/129203.htm