Sau mẫu ngoại cỡ, người khuyết tật đổ bộ giới thời trang

Tại Việt Nam, những hình ảnh mang tính bao hàm từng được các nhà thiết kế gửi gắm qua sàn diễn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đảm bảo vì không có công ty đại diện.

Tại Tuần lễ thời trang Việt Nam 2 năm trước, người mẫu có thân hình đặc biệt đã được các nhà thiết kế khai thác. Những người mẫu mắc bệnh ung thư, cụt tay được nhà thiết kế Thảo Nguyễn chọn để trình diễn cho show đã lấy đi nhiều nước mắt khán giả khi đó. Cô nói với Zing đó là cách để cho mọi người thấy thời trang không có giới hạn.

Đến năm 2020, nhà thiết kế Ivan Trần tiếp tục gửi gắm thông điệp toàn diện trong thời trang khi show diễn của anh có sự góp mặt của mẫu nhí bạch tạng Anna Nguyễn.

Trên thế giới, yếu tố đa dạng cũng đang được đẩy mạnh kể từ khi nhiều phong trào đòi sự bình đẳng nổ ra. Sau mẫu ngoại cỡ, những người khuyết tật, mắc bệnh đặc biệt, phi giới tính… có thể sẽ được nhiều nhà mốt để mắt tới hơn, theo Vogue Business.

Mẫu nhí cụt tay, mắc bệnh bạch tạng tại Tuần lễ thời trang Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng, Phương Lâm.

Mẫu nhí cụt tay, mắc bệnh bạch tạng tại Tuần lễ thời trang Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng, Phương Lâm.

Cần một công ty đại diện

Một trong những bài đăng được yêu thích nhất của Gucci Beauty là hình ảnh người mẫu Ellie Goldstein mắc hội chứng Down ngồi chuốt mascara lên khuôn mặt ửng hồng. Cô gái này từng hợp tác với Mytheresa, Zalando và Victoria's Secret. Ellie cùng những người mẫu tương tự được đại diện bởi công ty quản lý tài năng toàn diện Zebedee Management.

Zebedee được thành lập vào năm 2017 bởi hai chị em Laura Johnson (nhân viên xã hội) và Zoe Proctor (giáo viên nghệ thuật của người khuyết tật). Công ty của họ được tạo ra với mục đích bảo vệ sự đa dạng trong thời trang và truyền thông. Ngoài người khuyết tật, họ còn nhận mẫu chuyển giới, phi giới tính. Sau khi bắt đầu ở Anh, Zebedee hiện có trụ sở ở Mỹ, Australia và Nam Phi với 500 người mẫu được ký kết. Công ty này cũng lọt vào danh sách cho giải thưởng Changemakers của Hội đồng Thời trang Anh.

 Sự nghiệp người mẫu của Ellie Goldstein phát triển hơn sau khi làm chiến dịch với Gucci. Ảnh: David PD Hyde.

Sự nghiệp người mẫu của Ellie Goldstein phát triển hơn sau khi làm chiến dịch với Gucci. Ảnh: David PD Hyde.

Ngoài Gucci, Zebedee còn có Fenty Beauty, Tommy Hilfiger và Esteé Lauder trong danh sách khách hàng. Năm ngoái, doanh thu của công ty này đạt 1,3 triệu USD. Johnson cho biết họ có được con số này nhờ tăng cường các đại diện cho nhãn hàng.

"Có điều gì đó đã thay đổi trong đại dịch. Chúng tôi bận rộn gấp ba lần so với năm ngoái ở Anh và năm lần ở Mỹ. Tại Tuần lễ thời trang New York, việc Moschino để người mẫu xe lăn chuyển giới Aaron Rose Philip catwalk đã mang đến cái nhìn khác", Johnson nói.

Không chỉ Zebedee, nhiều công ty khác cũng được ra đời với ý nghĩa lớn lao. Tại Anh, Brother được thành lập vào năm 2016, chuyên quản lý người mẫu phi giới tính. Trong khi đó, Anti-Agency được thành lập vào năm 2014 để thách thức lý tưởng làm đẹp. Slay Model Management dành cho người mẫu chuyển giới tại Mỹ. Và Philip - người da màu, chuyển giới và khuyết tật - đã ký hợp đồng với New York agency Community - nơi đại diện cho "chất xúc tác của sự thay đổi".

"Tôi đã hy vọng có một cơ quan chuyên môn ôm lấy những cá nhân khác biệt. Và giờ, điều đó cũng thành hiện thực. Đã đến lúc toàn bộ hệ thống cần phải thay đổi", Alessia Glaviano - giám đốc hình ảnh thương hiệu của Vogue Italy nhấn mạnh.

Đối với những người mẫu khác biệt, họ rất cần công ty đại diện bởi điều này giúp họ có cơ hội được chọn hơn. Người mẫu xe lăn Brinston Tchana cho biết anh đã phải vật lộn để tìm việc làm trước khi ký hợp đồng với Zebedee vào năm 2018.

 Công ty Zebedee còn nhận cả mẫu nhí. Ảnh: Brian Rolfe, Dan Clake.

Công ty Zebedee còn nhận cả mẫu nhí. Ảnh: Brian Rolfe, Dan Clake.

Tương tự, người mẫu Taylor Tak từng phải rời rời bỏ quê hương Hàn Quốc để sang Australia theo đuổi đam mê. Bởi đất nước cô từng sống không có công ty đại diện cho mẫu ngoại cỡ. Ở Việt Nam, những người mẫu khác biệt cũng chưa phổ biến vì không có công ty đại diện cụ thể. Các nhà thiết kế Việt chủ yếu biết được họ qua mạng xã hội hay nhờ mối quen chỉ.

Mẫu ngoại cỡ đầu tiên ở Việt Nam Dương Khánh Hà cũng từng nói với Zing cô mong có một cơ quan đại diện cho những cá nhân khác biệt. Tuy nhiên, đến nay, ước mơ của cô cùng nhiều người khác vẫn "chỉ là mơ ước".

Cuộc đổ bộ của người mẫu khuyết tật

Thương hiệu cao cấp đầu tiên sử dụng người mẫu của Zebedee tại Tuần lễ thời trang London là Teatum Jones. Catherine Teatum - đồng sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của thương hiệu cho biết: "Chúng tôi đã rất lo sợ khi làm điều các thương hiệu khác chưa nghĩ đến. Điều này khiến tôi lo sợ về lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi được nhiều hơn mất".

Thương hiệu giày dép và phụ kiện của Anh - Kurt Geiger - cũng khởi động chiến dịch vào năm 2020 mang tên People Empowered để chia sẻ những câu chuyện từ các cộng đồng ít được đại diện.

Bài đăng đầu tiên của cô gái cụt chân Bernadette Hagans đã thu hút được sự tham gia nhiều hơn 30% so với bài đăng trước đó. Số lượt thích cũng nhiều gấp ba lần. Niamh Woods - người mắc chứng loạn sản ngoại bì dẫn đến rụng hết tóc - cũng xuất hiện tự tin trong chiến dịch kể cả khi không mang tóc giả.

 Jack Eyers (trái) và Kelly Knox (phải) catwalk cho Teatum Jones tại Tuần lễ thời trang London. Ảnh: Michelle Beatty.

Jack Eyers (trái) và Kelly Knox (phải) catwalk cho Teatum Jones tại Tuần lễ thời trang London. Ảnh: Michelle Beatty.

Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Chuyên gia tư vấn Wangu Chafuwa cho rằng mọi thứ dường như đang diễn ra tốt khi những câu chuyện chân thực được kể nhiều hơn. Tuy nhiên, sự an toàn của người mẫu khác biệt cần được đảm bảo khi các cuộc tấn công trên phương tiện xã hội ngày càng phổ biến. Các thương hiệu cũng như công ty đại diện cần bàn bạc kỹ để xem chiến dịch có thực sự phù hợp với người mẫu hay không, nhằm tránh gây phản ứng trái chiều.

"Cần tránh để người mẫu thấy rằng họ đang biến thành hàng hóa hoặc bị lợi dụng vì lợi nhuận", Wangu nói.

Người mẫu đặc biệt cần có gì?

Người mẫu muốn gia nhập Zebedee phải gửi đơn đăng ký bao gồm các thông tin cá nhân của họ như chiều cao, kích cỡ, sở thích và nhu cầu về khả năng tiếp cận. Sau đó, họ sẽ được mời tham gia buổi chụp ảnh thử nghiệm trực tiếp hoặc qua ứng dụng. Điều này giúp họ biết những gì mình mong đợi từ công việc và có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Johnson cho biết kinh nghiệm đối với những người mẫu này là yếu tố ưu tiên nhưng không cần thiết. Bởi thông thường, người mẫu khuyết tật mới không có nhiều kinh nghiệm. Thay vào đó, công ty tìm kiếm sự tự tin và khả năng chỉ đạo. Nếu mọi người vui vẻ, hợp đồng sẽ được ký kết.

Bên cạnh đó, mỗi người mẫu cũng có yêu cầu khác nhau khi họ mang những căn bệnh, hoàn cảnh riêng. Người mẫu hay bị mệt mỏi có thể cần nghỉ giải lao thường xuyên. Những người khuyết tật có thể cần được sắp xếp thời gian casting hợp lý để họ không bị bỏ lại trong phòng chờ.

Một người mẫu mắc hội chứng Down có thể được hưởng lợi từ việc được dùng tai nghe chống ồn trên phim trường, để tránh quá tải về giác quan. Trong khi đó, một số khác cần đi cùng cha mẹ hay người chăm sóc.

 Niu Yu (24 tuổi) trình diễn tại Tuần lễ thời trang Thượng Hải. Ảnh: Globaltimes.

Niu Yu (24 tuổi) trình diễn tại Tuần lễ thời trang Thượng Hải. Ảnh: Globaltimes.

Thách thức tiếp theo đối với Zebedee cũng như các công ty khác là tuyển dụng đủ người mẫu đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành thời trang. Dù vậy, với kinh nghiệm của mình, Johnson nhận thấy các công ty đại diện vẫn chưa đủ nhiều để "mở đường" cho các người mẫu.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-mau-ngoai-co-nguoi-khuyet-tat-do-bo-gioi-thoi-trang-post1273314.html