Sẽ điều chỉnh môn tích hợp

Câu chuyện về môn học tích hợp ở bậc THCS đã tạo nên những tranh luận ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay sau 2 năm triển khai môn học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những điều chỉnh đối với việc dạy và học nhưng sẽ không gây xáo trộn hay ảnh hưởng tới sự chuẩn bị của giáo viên.

Môn học tích hợp được coi là một trong những điểm mới nổi bật của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Song qua giám sát tại hầu hết cơ sở giáo dục cũng như qua phản ánh từ nhiều kênh dư luận cho thấy, việc tổ chức triển khai môn học này gặp khó khăn, ngay từ khâu viết sách giáo khoa.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhìn nhận, sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên hiện nay được viết thành các chủ đề hoặc chương. Chương này có thể là Lý, chương sau sẽ là Hóa, chương sau nữa là Sinh. “Trong từng chương và trong từng bài học không có sự tích hợp kiến thức Lý, Hóa, Sinh như kỳ vọng mà là thuần túy kiến thức của phân môn” – ông Khang phân tích.

Tương tự, với môn Lịch sử và Địa lý sự tích hợp này càng khó nhận ra khi các phần bài học được thiết kế riêng lẻ, chỉ có một số chủ đề chung.

Bên cạnh đó, vấn đề nổi cộm khi thực hiện đó là đội ngũ nhà giáo chưa được đào tạo bài bản để dạy môn tích hợp. Hiện mỗi trường triển khai dạy môn học này theo các cách khác nhau. Nêu khó khăn trong việc giảng dạy môn tích hợp, cô Hoàng Hải Vân - Trường THCS Võ Thị Sáu (Khánh Hòa) cho hay, việc tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn. Hiện nhiều trường trên cả nước áp dụng cách thức “giáo viên môn nào dạy môn nấy”. Điều này khiến môn tích hợp chưa giúp học sinh phát triển toàn diện như mục tiêu đặt ra.

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa - giáo viên trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An) cũng bày tỏ nỗi trăn trở dù đã được bồi dưỡng song khi đứng lớp dạy môn tích hợp, giáo viên cũng chưa tự tin và chưa hiệu quả.

Đây cũng là nỗi lòng của nhiều lãnh đạo nhà trường khi giáo viên chỉ tập huấn cấp tốc mấy tháng đã đảm nhiệm môn học mới này. Thời gian tập huấn như vậy là chưa đủ. Nhiều ý kiến cho rằng phải đào tạo lại ít nhất 1 năm để giáo viên thấu hiểu chương trình. Còn với tình trạng hiện nay, giáo viên dạy trái môn rất vất vả và mất tự tin khi đứng lớp.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Tượng - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng, việc nhận xét, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng khó toàn diện, triệt để khi có nhiều hơn một giáo viên cùng giảng dạy một môn nhưng lại chỉ có một bài kiểm tra, đánh giá chung.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã nắm được những khó khăn, bất cập mà thầy cô giáo nêu. Bộ trưởng thừa nhận việc dạy tích hợp là một trong những điểm nghẽn và khó khăn nhất khi triển khai chương trình mới. Thực tế, khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng còn nhiều giáo viên còn lúng túng và là một thách thức lớn, nhất là với giáo viên vùng khó khăn, dẫu đã được tập huấn, bồi dưỡng.

“Khả năng cao trong thời gian sắp tới, Bộ GDĐT sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS. Có thể vẫn kiên trì ở tiểu học nhưng với THCS sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng “ - ông Sơn nói và khẳng định việc này sẽ được cân nhắc cẩn trọng để không gây xáo trộn lớn, nhất là ảnh hưởng đến những giáo viên được đào tạo dạy môn tích hợp đã chuẩn bị trong thời gian qua.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/se-dieu-chinh-mon-tich-hop-5726105.html