Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ấn Độ sắp chạm ngưỡng 300.000

Nhân viên an ninh đeo khẩu trang và mặt nạ bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ ngày 25/5. Ảnh: THX/TTXVN

* Hàn Quốc gia hạn biện pháp giãn cách xã hội tại Seoul và vùng phụ cận

Theo số liệu ngày 12/6 của Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, nước này đã ghi nhận thêm gần 11.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 396 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân lên 297.535 và số người chết là 8.498 người.

Như vậy, Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 4 do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chỉ sau Mỹ, Brazil và Nga.

Với số lượng các ca nhiễm tăng mạnh mỗi ngày, các đô thị lớn như Delhi và Mumbai đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu về tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng y tế.

Trong 2 tháng qua, nhiều người ở Ấn Độ đã lên mạng bày tỏ sự bất bình khi không thể đăng ký được giường bệnh hoặc đảm bảo việc điều trị phù hợp cho các thành viên gia đình và bạn bè của họ.

Bên cạnh đó, cũng có ngày càng nhiều ý kiến kêu gọi chính quyền thủ đô tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, sau khi Delhi đã phát hiện thêm 1.877 ca nhiễm mới trong 1 ngày qua, đưa tổng số bệnh nhân lên 34.687.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Phó thủ hiến Delhi Manish Sisodia nói rằng Delhi sẽ cần 80.000 giường bệnh vào cuối tháng 7.

Dựa trên thời gian nhân đôi số ca hiện nay là 12,6 ngày, đến ngày 31/7, số ca mắc COVID-19 ở Delhi ước tính sẽ lên tới 550.000 ca. Trước tình hình này, nhiều bang ở Ấn Độ đã buộc phải sử dụng các toa tàu của Công ty Đường sắt Ấn Độ để làm nơi điều trị cho các bệnh nhân dương tính và tránh cho cơ sở hạ tầng y tế bị quá tải.

Chính phủ trung ương cảnh báo 5 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra, Tamil Nadu, Delhi, Gujarat và Uttar Pradesh, nếu tiếp tục xu hướng hiện nay, sẽ bị thiếu giường và máy thở cho khu điều trị tích cực trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8.

Tại Hàn Quốc, ngày 12/6, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo chính phủ nước này quyết định gia hạn một số biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng hiện nay tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp liên ngành chống đại dịch, ông Chung Sye-kyun cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội lẽ ra hết hiệu lực vào cuối tuần này, song tình hình dịch bệnh hiện nay buộc phải gia hạn.

Theo đó, chính phủ sẽ kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội tại khu vực thủ đô cho đến khi tình hình ổn định trở lại, đồng thời tăng cường các biện pháp cách ly nhằm ngăn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới không có chiều hướng đi xuống. Một loạt ca nhiễm mới ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận xuất hiện khi Hàn Quốc hoàn thành việc mở lại các trường học vào ngày 8/6 vừa qua.

Sau gần 6 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Hàn Quốc đã chuyển sang chương trình "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" từ ngày 6/5 để cho phép người dân thực hiện các hoạt động kinh tế và xã hội theo các quy tắc kiểm dịch mới.

Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết virus tiếp tục lây lan, đặc biệt tại Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, dù nhà chức trách đã áp đặt biện pháp giãn cách xã hội trong 2 tuần qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính đến 10h (giờ địa phương) ngày 12/6, với 56 ca nhiễm mới được phát hiện (43 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca ở Hàn Quốc đã lên thành 12.003 ca.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 15 người nâng tổng số lên 10.669 người, chiếm 88,8%.

Đến nay Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho gần 1.100.000 người (trung bình cứ 50 người thì có 1 người đã được xét nghiệm). Hầu hết các ca nhiễm mới đều ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận, bao gồm cả thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, và đều có liên quan đến những ổ lây nhiễm tập thể nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận liên tục phát sinh các ca lây nhiễm, nhiều ý kiến lo ngại dịch bệnh có thể lây lan đến nhà máy của các tập đoàn, nơi tập trung đông nhân lực sản xuất.

Cụ thể, trong số các ca nhiễm mới ngày 11/6, một trường hợp là công nhân 50 tuổi làm việc tại nhà máy quy mô khoảng 5.000 công nhân của hãng xe ô tô Kia ở thành phố Gwangmyung, tỉnh Gyeonggi đã khiến một dây chuyền của nhà máy này phải ngừng sản xuất để cách ly và khử trùng.

Trước đó một ngày, một công nhân vệ sinh làm việc tại trụ sở hãng điện tử Samsung ở thành phố Suwon cũng được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 khiến một số tòa nhà thuộc khu sản xuất thông minh của Samsung tại đây đóng cửa.

Mặc dù chưa phát hiện trường hợp nào dương tính trong số đồng nghiệp làm cùng và những người tiếp xúc với ca nhiễm này, nhưng Samsung vẫn cho hơn 1.200 công nhân tại khu vực trên chuyển sang hình thức làm việc tại nhà.

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết sẽ phối hợp với KCDC xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp vi phạm Luật Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

Đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 489 vụ vi phạm liên quan, tạm giữ 6 cá nhân và truy tố 317 người. Chỉ tính riêng trong ngày 10/6 vừa qua cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm quy định cách ly, 16 trường hợp vi phạm lệnh cấm tụ tập.

Ngoài ra, những hành vi khai báo gian dối gây khó khăn cho công tác điều tra dịch tễ, cố ý vi phạm quy định phòng dịch dẫn đến phát sinh các ca lây nhiễm tập thể cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày 11/6, Bộ thương mại, Công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc (MTIE) cho biết nước này sẽ chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm đối phó đại dịch COVID-19 với thế giới và phấn đấu chuẩn hóa quốc tế các chương trình kiểm soát dịch bệnh.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ trình mô hình 3T: xét nghiệm (Test) - truy vết (Trace) - điều trị (Treat) và các cơ chế phòng dịch COVID-19 khác lên Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đồng thời mong muốn chuẩn hóa 8 chương trình kiểm soát dịch bệnh (từ xét nghiệm virus đến vận hành các mô hình xét nghiệm lưu động và trung tâm cách ly).

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu lập tiêu chuẩn quốc tế cho các ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) theo dõi những người tự cách ly và quy trình kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn các ca nhiễm ngoại nhập.

Hàn Quốc được coi là một trong những nước kiểm soát dịch COVID-19 thành công nhất mà không cần đóng cửa biên giới. Với khoảng 50 triệu dân, Hàn Quốc ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc COVID-19 kể từ ngày 20/1 đến nay, duy trì số ca nhiễm mới ở ngưỡng trên dưới 50 ca/ngày và hạn chế tối đa số ca tử vong với 277 người.

Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cùng ngày 12/6 thông báo ngày 11/6, nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca tại Bắc Kinh và 6 ca từ nước ngoài về.

Trong ngày 11/6, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào và có thêm 4 người xuất viện sau khi được chữa khỏi.

Như vậy, đến nay, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 83.064 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong, 78.365 người đã bình phục và xuất viện, 65 người đang được điều trị và hiện không có ca bệnh nặng.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240954/so-ca-nhiem-sars-cov-2-tai-an-do-sap-cham-nguong-300-000.html