Sơn Động: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp được huyện Sơn Động quan tâm triển khai nhằm giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Từ nghèo khó, nhiều hộ đã vươn lên làm chủ kỹ thuật, phát triển kinh tế gia đình, có nguồn thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống.

Dạy nghề người lao động có nhu cầu

Năm 2019, gia đình chị Chu Thị Thành, dân tộc Cao Lan ở xã Giáo Liêm (Sơn Động) cải tạo hơn 1 ha đất vườn cằn cỗi chuyển sang trồng táo. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức chăm sóc nên cây cho quả nhỏ, mã xấu, bán không được giá cao.

 Người dân xã Giáo Liêm thực hành kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.

Người dân xã Giáo Liêm thực hành kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.

Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện phối hợp với UBND xã tổ chức, chị Thành mới biết một số biểu hiện bệnh xuất hiện trên cây táo là do nấm và vi khuẩn gây ra. Vì vậy, chị cơ cấu lại vườn trồng chuyên canh giống táo Đài Loan; cắt tỉa cành, cây bị nhiễm bệnh, tạo khoảng cách thông thoáng giữa các luống và cây, ngăn ngừa vi khuẩn, nấm sinh sôi. "Nhờ làm chủ kỹ thuật nên hai năm gần đây, gia đình tôi đã giải quyết được mối lo sâu bệnh hại, táo thu hoạch cho năng suất cao, mẫu mã đẹp bán được giá hơn, (bình quân 35-45 nghìn đồng/kg), sau khi trừ chi phí đầu tư, vườn táo cho lãi 150 - 170 triệu đồng/năm”- chị Thành nói.

Tại xã Cẩm Đàn, hiện địa phương đang tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng chí Bế Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn chia sẻ: “Các chính sách liên quan đến đào tạo nghề được triển khai lồng ghép với nhiều hoạt động hỗ trợ khác như: Tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ cây, con giống mới, vốn ưu đãi nên đã tiếp sức cho bà con khởi nghiệp, phát triển kinh tế". Hiện toàn xã Cẩm Đàn có 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt hơn 25%; người dân trong độ tuổi lao động có việc làm đạt hơn 90%...

Theo ông Triệu Hữu Năm, Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS, năm nay, Sơn Động đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 700 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm đạt hơn 75%. Để đạt mục tiêu đề ra, trước đó, Phòng đã khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy với các nghề mà người lao động có nhu cầu như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sửa chữa máy nông nghiệp (máy bơm nước, máy cắt cỏ...).

Một trong những điểm nhấn đó là huyện quan tâm đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy. Các lớp học được tổ chức tại thôn, bản, tổ dân phố và thực hành ngay trên đồng ruộng, ao cá, đàn vật nuôi để người dân vùng đồng bào DTTS dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất. Với cách làm đó, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 400 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân vùng đồng bào DTTS.

Thống kê của Phòng LĐTBXH huyện, kết quả sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề của địa phương cho thấy tỷ lệ học viên có việc làm sau tốt nghiệp ngày càng cao. Giai đoạn 2021-2023, hơn 81% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo.

Từ đầu năm đến nay, Sơn Động đã tạo việc làm mới cho gần 2,5 nghìn lao động, đạt gần 85% kế hoạch năm. Trong đó, có 147 người đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số lao động của huyện đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài lên gần 350 người.

Cùng người dân vùng khó khởi nghiệp

Cùng với chính sách đào tạo nghề, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn quan tâm hỗ trợ người dân về vốn, thủ tục đăng ký kinh doanh để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2022 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay ưu đãi cho 154 hộ chuyển đổi nghề với tổng vốn cho vay gần 15 tỷ đồng, lãi suất 3,3%/năm; thời gian vay là 60 tháng.

Có nghề trong tay và vốn vay tiếp sức, các hộ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả. Điển hình như chị Hoàng Thị Bé (SN 1983), dân tộc Tày ở thôn Khuân Cầu, xã Đại Sơn mạnh dạn chuyển hơn 1 ha diện tích trồng vải sang trồng cây cam, táo. Ông Mã Văn Muộn (SN 1954), dân tộc Tày, tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc. Từ mô hình này, mỗi năm các gia đình thu lãi từ 170 - 250 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác đào tạo nghề của Sơn Động còn một số khó khăn, vướng mắc do phần lớn lao động trẻ sau khi tốt nghiệp THPT chuyển sang làm công nhân các nhà máy, xí nghiệp nên ít có nhu cầu học nghề. Một bộ phận lao động lo ngại vốn ít, dịch bệnh trên vật nuôi khó kiểm soát, thị trường tiêu thụ bấp bênh… nên chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp. Một số xã còn lúng túng trong việc xác định ngành, nghề đào tạo; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với định hướng phát triển KT-XH và sự chuyển dịch cơ cấu lao động.

 Các lớp đào tạo nghề tại huyện Sơn Động thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Các lớp đào tạo nghề tại huyện Sơn Động thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động khẳng định: “Xác định đào tạo nghề là “kênh” giảm nghèo bền vững và hiệu quả nên huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo theo hướng giảm học lý thuyết, tăng thời lượng thực hành; mở rộng nội dung đào tạo với các nghề mới đang có xu hướng phát triển như: Chế biến món ăn, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe... Xây dựng nội dung đào tạo phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và định hướng phát triển KT - XH".

 Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều lao động ở xã Yên Định đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang.

Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều lao động ở xã Yên Định đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang.

Cùng đó, huyện quan tâm kết nối, mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động về địa phương tổ chức chương trình tư vấn, xúc tiến giới thiệu việc làm. Giao các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ người lao động có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có thêm nguồn lực xây dựng mô hình phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-day-manh-dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-de-giam-ngheo-ben-vung-083520.bbg