Sửa Luật Chứng khoán: Tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tiếp thu ý kiến các bên liên quan hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi (Dự thảo) để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 8 cuối năm 2019, đại diện cơ quan soạn thảo, ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết, sẽ nghiên cứu tăng tối đa vị thế, thẩm quyền... cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, có ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đã đến lúc nên xem xét lại vai trò, vị thế của UBCKNN, theo đó có thể tách Ủy ban này độc lập khỏi Bộ Tài chính và trực thuộc Chính phủ.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch UBCKNN - thế giới có nhiều mô hình khác nhau về vị trí của UBCKNN, có thể độc lập hay trực thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương… Điều quan trọng là công tác điều hành, giám sát thị trường của UBCKNN có hiệu quả hay không. Muốn vậy, UBCKNN cần phải có đủ thẩm quyền giám sát thị trường, xử lý các tình huống, có đủ sức răn đe các vi phạm. Do vậy, nên quy định tăng thẩm quyền của UBCKNN đối với các sở giao dịch chứng khoán, trong công tác thanh tra, giám sát… để đảm bảo quản lý thị trường một cách hiệu quả và thực chất.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính - trao đổi: Bộ không có quan điểm phải giữ UBCKNN trong Bộ Tài chính. Căn cứ thực tế hoạt động của UBCKNN thời gian qua, Bộ Tài chính đã có phương án trình Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận, báo cáo đầy đủ các ý kiến và các phương án để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Ông Hải cũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc hoàn thiện Dự thảo luật theo hướng tăng tối đa thẩm quyền, vị thế cho UBCKNN để có khả năng, điều kiện thực thi nhiệm vụ, chức trách.

Một vấn đề khác có nhiều ý kiến trao đổi, đó là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nên có điều khoản riêng cho các doanh nghiệp này chào bán chứng khoán riêng lẻ và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không nên quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được huy động vốn qua TTCK để đảm bảo công bằng với các hàng hóa khác và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi lẽ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn rất rủi ro, chưa thể chào bán rộng rãi cổ phiếu ra công chúng ngay từ đầu. Hơn nữa, rất khó quy định chi tiết ngay trong Dự thảo luật về vấn đề này vì sẽ cứng nhắc, khó triển khai do còn tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như điều kiện phát triển của thị trường. Thay vào đó, Dự thảo luật nên quy định mang tính nguyên tắc để khi có đủ điều kiện triển khai thì có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn. Đây cũng là cơ sở để các sở giao dịch chứng khoán có thể mở ra khu vực riêng nhằm hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, vừa để quản lý rủi ro.

Liên quan đến chào bán cổ phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Luật Chứng khoán chỉ điều chỉnh các công ty và hoạt động liên quan đến chứng khoán, các qui định về vấn đề này chỉ tập trung điều chỉnh đối với chào bán cổ phiếu riêng lẻ của các công ty đại chúng. Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề mới, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận ý kiến để tới đây khi nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi (sau khi Quốc hội thông qua) sẽ có những quy định cụ thể hơn. Sau thời gian thực hiện, các kinh nghiệm rút ra lúc đó sẽ được nghiên cứu đưa vào luật để đảm bảo tính ổn định cao hơn.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-luat-chung-khoan-tang-tham-quyen-cho-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-122881.html