Tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng: Tránh lạm dụng để đất trống, không sử dụng

Việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có cơ chế, quy định tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) ngày 6/11, đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang, thống nhất thông qua theo quy trình một kỳ họp với các lý do như trong Báo cáo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là về yêu cầu khẩn trương cải cách, sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư công, nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành hàng loạt các mục tiêu, dự án lớn tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 như đạt 5.000km đường cao tốc đến năm 2030 và dự án đường cao tốc tốc độ cao trục Bắc- Nam,…

ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VÀ HOÀN THÀNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Theo đại biểu, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà vấn đề lớn nhất đó là thời gian để thực hiện dự án.

Liên quan đến quy hoạch và giải phóng mặt bằng, đại biểu nhấn mạnh “đây là nỗi ám ảnh của nhà đầu tư cũng như nhà thầu xây dựng khi thực hiện các dự án đầu tư công” do tính chất phức tạp, thủ tục kéo dài, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành xác định nguồn gốc của đất, xác định giá, phương án bồi thường, di dời, tái định cư….tất cả phải được sự đồng thuận chung của cộng đồng. Chính vì vậy, các dự án có giải phóng mặt bằng đều rất chậm, có khi kéo dài hơn cả thời gian triển khai dự án làm cho việc giải ngân gặp rất nhiều khó khăn…

Để khắc phục những vấn đề trên, đại biểu đồng tình với các nhóm chính sách dự thảo luật quy định. Các quy định này thể hiện tính phân cấp rất mạnh mẽ, tăng tính chủ động cho địa phương, tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho UBND các cấp, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đặc biệt là các quy định như tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập...

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, ông Trình Lam Sinh, nêu ý kiến.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, ông Trình Lam Sinh, nêu ý kiến.

“Với việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây lắp trở thành dự án độc lập sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì được bố trí nguồn vốn và có quy trình, thủ tục riêng để thực hiện”.

Đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh và cho rằng “đây là mong mỏi của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nhằm rút ngắn thời gian các dự án có giải phóng mặt bằng nói chung. Những chính sách này khi được thông qua sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, dự án phát triển”.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp khẳng định về tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm khắc phục bất cập thời gian qua được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, theo hướng đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C do cấp thẩm quyền quyết định và giao cho Chính phủ quy định thực hiện chi tiết với điều kiện là phải đảm bảo công tác quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhằm tránh giải phóng mặt bằng tràn lan.

Còn đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre cho rằng đối với tách giải phóng mặt bằng ra các nhóm dự án A, B, C, trong báo cáo thẩm tra có nói rõ là tách giữa giải phóng mặt bằng và xây lắp thì phải tính đến tổng thời gian của các loại dự án này.

“Trong Điều 58 nêu thời gian bố trí vốn cho 3 loại dự án nhóm A, B, C là không quá 6 năm, 4 năm hoặc 3 năm. Nếu tách giải phóng mặt bằng và xây lắp cần cân đối tổng thời gian này chứ nếu giữ nguyên 6 năm, 4 năm và 3 năm thì giải phóng mặt bằng nhiều khi kéo dài hơn rất nhiều so với thời gian chúng ta đang làm, có thể tác động rất mạnh đến xây lắp”, đại biểu nói.

Do đó, ban soạn thảo phải cân đối để phân thời gian hợp lý, phân bổ vốn và không để giải phóng mặt bằng với xây lắp tách rời vấn đề bố trí vốn.

Nhấn mạnh đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông cho răng mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng có cả về khách quan và chủ quan, việc giải ngân vốn đầu tư công trong những năm qua, các cụm từ như "chậm", "rất chậm" và "quá chậm" như một căn bệnh mãn tính, chưa có phác đồ điều trị hữu hiệu.

Qua rà soát, đại biểu góp ý, về nội dung, trường hợp thật cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập tại khoản 1 Điều 5 sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang được triển khai. Hiện nay đa số các dự án chậm, nguyên nhân là do khâu giải phóng mặt bằng. Do đó, việc tách ra 2 thành phần của dự án sẽ tạo điều kiện địa phương chủ động hơn để giải quyết khâu mặt bằng, đảm bảo cho dự án được triển khai đồng bộ.

TRÁNH VIỆC LỢI DỤNG ĐỂ THỰC HIỆN SAI MỤC ĐÍCH CỦA DỰ ÁN

Tán thành cao quy định này nhưng đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần phải làm rõ hơn như thế nào là trường hợp thật sự cần thiết để được tách và ở đây gọi tách hay là hình thành 1 dự án bồi thường để tránh việc làm sai hoặc sợ sai trong triển khai thực hiện.

Đồng thời, nếu tách ra thì cần phải có những cơ chế, quy định chặt chẽ, tránh tình trạng có những dự án sau khi giải phóng xong thì dự án không triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội. Riêng việc tách, đại biểu đề nghị tổng thể thời gian tách thực hiện dự án không vượt quá tổng thời gian bố trí vốn tại Điều 58. Hiện nay thực tế trên địa bàn cả nước có rất nhiều dự án với diện tích lớn, có những nơi ở vị trí đắc địa nhưng đất để hoang nhiều năm không đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Để có giải pháp đồng bộ khi triển khai thực hiện, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất quy định chi tiết trong dự thảo luật trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hoặc giao Chính phủ quy định, nhằm tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích của dự án. Cùng với đó quy định định mức kinh tế- kỹ thuật đối với chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Đại biểu cũng kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án trong thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như thiên tai hay do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài để có đủ thời gian hoàn thành và kết thúc dự án.

Về tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp. Hà Nội cho rằng “mặc dù chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết các dự án thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, song với những kết quả đã đạt được của các dự án đã được phép tách, chúng ta có thể yên tâm đồng thuận cho phép tất cả các dự án nhóm A,B,C đều có thể được tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án riêng khi cần thiết”.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác khi việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đó không thuộc đối tượng được phép giải phóng mặt bằng, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong dự thảo luật cần phải quy định cụ thể là người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng đúng mục đích như dự án ban đầu được đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề.

“Trước đây chúng ta chỉ quy định có 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bây giờ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án.

Như vậy giải phóng mặt bằng nằm ở chuẩn bị dự án, làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư. Khi chúng ta làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng.

Nếu tách bạch 3 bước này ra thì chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Đây là một cuộc cải cách rất lớn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng ý với các đại biểu phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, "mở ra nhưng phải quản lý, kiểm soát được" chứ không phải tràn lan dẫn đến hậu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tach-giai-phong-mat-bang-thanh-du-an-rieng-tranh-lam-dung-de-dat-trong-khong-su-dung.htm