TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội, TP.HCM sẽ thành lập tổ công tác liên ngành rà soát pháp lý, giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục cho 27 dự án đang gặp vướng mắc...

Một dự án nhà ở xã hội ở thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Một dự án nhà ở xã hội ở thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thành lập tổ công tác liên ngành nói trên nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư, sớm khởi công dự án.

Tổ công tác này sẽ do lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng rà soát tính phù hợp, khả thi của pháp lý khu đất đối với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500, giao đất chuyển mục đích sử dụng đất.

Thống kê của Sở Xây dụng cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã hoàn thành được 6 dự án nhà ở, 5 trong số đó là dự án nhà ở xã hội và một là nhà lưu trú cho công nhân, với tổng số căn hộ là 2.745. Hiện có 3 dự án nhà ở xã hội và một dự án nhà lưu trú công nhân đang được triển khai với quy mô 2.874 căn. Đây là kết quả khiêm tốn so với kế hoạch được đề ra.

Theo kế hoạch, TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2030 đầu tư xây dựng khoảng 67.900 - 93.000 căn nhà ở xã hội; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 26.200 - 35.000 căn, giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 43.500 - 58.000 căn. Với kết quả còn rất hạn chế này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng chưa đạt như mong muốn, nguồn cung sản phẩm vẫn còn hạn chế chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân.

TP.HCM hiện còn 27 dự án đang hoàn tất thủ tục pháp lý tại các sở/ngành, cấp quận/huyện; đặc biệt là đang chờ hoàn pháp lý liên quan vấn đề quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố, khó khăn nhất hiện nay là công tác phối hợp lấy ý kiến, trao đổi thông tin giữa các đơn vị mất nhiều thời gian, còn mang tính hành chính, nhiều bất cập. Ngoài ra, việc làm chậm tiến trình triển khai thực hiện các dự án còn nằm ở khâu rà soát yếu tố pháp lý các dự án nhà ở xã hội vốn đã có chủ trương từ trước khi có yêu cầu gia hạn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư,…

Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, 27 dự án nhà ở xã hội nói trên có quy mô khoảng 40.000 căn, mới chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư với quy mô hơn 1.450 căn; số còn lại gồm 18 dự án đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, 8 dự án vẫn đang chờ cơ quan chức năng cho ý kiến về hướng xử lý. Nhiều cuộc họp liên ngành do Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức trong thời gian qua để rà soát, tháo gỡ các vướng mắc; song hướng sắp tới là thành lập Tổ công tác liên ngành. Và như đã nói, Tổ công tác liên ngành này sẽ do lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì.

Cũng trong hướng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn về nhà đất nói chung, và các dự án nhà ở thương mại, ngày 10/6/2024, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết các nội dung liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM. Tổ công tác này do ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng và ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng làm tổ phó.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là thực hiện rà soát tổng thể và thống kê số liệu các khu nhà, các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM đã được cấp phép đầu tư xây dựng và được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận; xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc chưa hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận, phân nhóm, phân loại, thống kê số liệu, danh sách dự án cụ thể theo từng nhóm, đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kế hoạch, lộ trình và thời gian cụ thể.

Hoài Niệm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-thao-go-kho-khan-cho-du-an-nha-o-xa-hoi.htm