Những dự án lãng phí từ trên giấy
Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, hiện đại nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng 'đắp chiếu' từ năm 2022 tới nay do chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, vướng mắc cơ chế vốn. Cũng tại Cần Thơ, dự án mở rộng 5 nút giao thông đội vốn cả nghìn tỷ đồng chậm tiến độ vì sai sót khi lập dự án. Đây là 2 dự án điển hình lãng phí trong đầu tư công tại Cần Thơ.
Bệnh viện cũ quá tải, bệnh viện mới “đắp chiếu”
Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng từ vốn ODA và đối ứng trong nước, quy mô 500 giường. Dự án khởi công tháng 10/2017, dự kiến hoàn thành sau 3 năm (cuối năm 2020), trở thành bệnh viện ung bướu lớn nhất và hiện đại nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, năm 2022 dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tạm dừng thi công khi đạt 82% khối lượng xây dựng, hơn 16% phần cung cấp và lắp đặt thiết bị. Từ đó, tòa nhà bệnh viện phơi mưa nắng, cỏ dại mọc um tùm.
Trong nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri, nhân dân Cần Thơ kiến nghị Chính phủ, bộ ngành, địa phương sớm khởi động lại dự án để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Gần nhất, tại hội nghị tiếp xúc cử tri tháng 7 và tháng 10 vừa qua, nội dung này tiếp tục được đặt ra. “Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là bệnh viện trung tâm cho cả vùng. Hiện người bệnh phải lên TPHCM điều trị, chi phí ăn ở, đi lại rất tốn kém. Do đó, các đồng chí lãnh đạo Thành phố tiếp tục triển khai dự án bằng nguồn vốn trong nước, với tinh thần khó mấy cũng phải làm”, Thủ tướng nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ tháng 7/2024. Cùng đó, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần đi kiểm tra, họp giải quyết khó khăn, vướng mắc, để khởi động lại dự án, nhưng tới nay vẫn chưa có chuyển biến.
Sở Y tế Cần Thơ - chủ đầu tư dự án bệnh viện, thừa nhận, dự án phải tạm dừng thi công một phần do hợp đồng xây dựng cũng như hiệp định vay hết hiệu lực (năm 2022). Trong quá trình xây dựng, liên danh nhà thầu (Hungary) liên tục đề xuất điều chỉnh trang thiết bị y tế chuyên dùng, vật liệu và thiết bị xây dựng khác hợp đồng, không bảo đảm tỷ lệ 50% hàng hóa xuất xứ Hungary. Điều này dẫn tới quá trình thực hiện dự án phải điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh hiệp định vay, ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Bên cạnh đó, đại diện chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án vốn ODA dẫn đến chậm trễ kéo dài…
Năm 2022, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tạm dừng thi công khi đạt 82% khối lượng xây dựng, hơn 16% phần cung cấp và lắp đặt thiết bị. Từ đó, tòa nhà bệnh viện phơi mưa nắng, cỏ dại mọc um tùm.
Trong khi Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới (cơ sở 2) dở dang, lãng phí, bệnh viện cũ (cơ sở 1) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Với chỉ 1 máy xạ trị cũ kỹ, lỗi thời không còn nơi nào sử dụng, nhưng ở đây vẫn hoạt động hết công suất. Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cơ sở 1, hiện mỗi ngày có hơn 300 bệnh nhân từ các tỉnh miền Tây tới xếp hàng chờ khám, điều trị bệnh. Bệnh viện luôn duy trì khoảng 500 bệnh nhân điều trị nội trú, 500-600 bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú. Các phòng triều trị luôn trong tình trạng 2-3 bệnh nhân chia nhau 1 giường.
BS Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị tia xạ (Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ) cho hay, việc tăng ca xạ trị cho bệnh nhân kéo dài, các y bác sĩ phải chia 3 ca, làm từ 5h sáng cho tới tối khuya. Tình trạng này gây sức ép rất lớn đối với đội ngũ y bác sĩ. Bệnh viện cũ quá tải, xuống cấp, trong khi bệnh viện mới mãi không xong, “đắp chiếu” để nhiều năm, khiến bác sĩ Phong và nhiều y bác sĩ, bệnh nhân xót xa, chỉ mong bệnh viện mới sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong khi chờ đợi bệnh viện mới, các bác sĩ mong được đầu tư thêm máy xạ trị cho cơ sở hiện có để đáp ứng nhu cầu chữa trị của người dân trước mắt.
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết, UBND Thành phố đã có văn bản gửi Chính phủ, các bộ ngành để tháo gỡ về tiêu chuẩn trang thiết bị, điều chỉnh chủ trương sớm khởi động lại dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Giải pháp cơ bản được thống nhất là dùng vốn trong nước triển khai tiếp thay cho vốn ODA đã hết hạn giải ngân, đàm phán với tổng thầu EPC các nội dung vướng mắc. Mục tiêu khởi động dự án vào nửa đầu năm 2025, hoàn thành bệnh viện vào năm 2027.
Dự án cải tạo 5 nút giao thông thường xuyên ùn tắc tại quận Ninh Kiều (Cần Thơ), được duyệt vốn hơn 1.196 tỷ đồng, gồm nút giao giữa các tuyến đường: Mậu Thân - 3 tháng 2 - Trần Hưng Đạo (nút số 1); Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt (nút số 2); Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ (nút số 3); Nguyễn Văn Linh - 3 tháng 2 (nút số 4); Nguyễn Văn Linh - 30 tháng 4 (nút số 5). Sau khi khảo sát thực tế, số vốn được duyệt chỉ đủ thực hiện 2 nút giao, UBND quận Ninh Kiều đề xuất ưu tiên làm trước nút giao số 1 và số 4.
5 nút giao thông đội vốn ngàn tỷ
Dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều (Cần Thơ) được HĐND TP Cần Thơ phê duyệt chủ trương cuối năm 2021, mục tiêu hoàn thành năm 2025, với vốn đầu tư hơn 1.196 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Dự án được phân cấp cho UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, giao vốn kế hoạch từ nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư bắt tay khảo sát, kiểm đếm thực tế để lập báo cáo khả thi mới phát hiện diện tích thu hồi đất tăng (từ 10.000m2 lên hơn 17.400m2), dẫn tới chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao hơn nhiều so với báo cáo tiền khả thi được duyệt trước đó. Với số vốn hơn 1.196 tỷ đồng dùng cho cải tạo cả 5 nút giao sẽ không đủ, phải làm nhỏ hơn. Nếu làm đúng quy mô theo chủ trương đầu tư được duyệt, vốn sẽ phải tăng lên rất nhiều. Sau khi tính toán lại, tổng mức đầu tư dự án phải lên hơn 2.065 tỷ đồng, đội vốn hơn 869 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư, dù dự án vẫn còn “nằm trên giấy”.
Tại nhiều cuộc họp thúc tiến độ dự án này, lãnh đạo Cần Thơ thừa nhận dự án đang rất chậm, trong khi tình trạng ùn tắc các nút giao này ngày càng nghiêm trọng. Để giải quyết, cuối năm 2023, UBND TP Cần Thơ quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư cũ là hơn 1.196 tỷ đồng. Để phù hợp số vốn (chưa tăng vốn), chủ đầu tư sẽ ưu tiên thực hiện trước 2 nút giao, riêng chi phí giải phóng mặt bằng 2 nút này hơn 800 tỷ đồng. Thực tế, dù chưa triển khai thi công, nhưng dự án cải tạo 5 nút giao thông của TP Cần Thơ đã chậm tiến độ, đội vốn.
Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, đã hoàn thành kiểm kê nhà đất trong diện giải tỏa, lên phương án kiến trúc, khi có mặt bằng sạch sẽ thi công, phấn đấu hoàn thành 2 nút giao đầu tiên trong năm 2025. Đối với 3 nút giao còn lại, quận sẽ tiến hành đo đạc, kiểm đếm để lên khái toán cụ thể, báo cáo Thành phố xem xét bổ sung nguồn kinh phí thực hiện.
Nhìn nhận về tình trạng các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chính. Công tác khảo sát, thu thập số liệu chưa chuẩn xác, đặc biệt liên quan tới giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án phải điều chỉnh, đội vốn, mất nhiều thời gian. Một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-du-an-lang-phi-tu-tren-giay-post1689214.tpo