Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là câu chuyện thay đổi tư duy

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, vào chiều ngày 27-4. Dự và làm việc đoàn có đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng; các đồng chí Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TL

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TL

Thông tin với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, trong quý I năm 2022, sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh đạt trên 1 triệu tấn, tăng 41% so cùng kỳ, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 90%, cao hơn cùng kỳ 16%, có 73 công ty, doanh nghiệp và thương lái liên kết tiêu thụ lúa, với diện tích 23.276ha (chiếm hơn 12% tổng diện tích); diện tích cây ăn trái gần 29.000ha; tổng đàn gia súc đạt 206.285 con, tăng 2,6% cùng kỳ; sản lượng thủy sản, hải sản đạt 45.345 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Về thủy lợi, trong quý I đã xây dựng mới 4 cống ngăn mặn; sửa chữa 1 cống; xây dựng 2 trạm bơm điện; nạo vét 30 tuyến kênh tạo nguồn…

Về kinh tế tập thể, từ đầu năm đến nay thành lập mới 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, lũy kế có 207 HTX; 1.207 tổ hợp tác và 1 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và cung cấp artemia. Hiện có 3/10 huyện, thị xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 156 sản phẩm OCOP được chứng nhận các sao OCOP…

Đồng chí Lê Minh Hoan ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Sóc Trăng trong việc định hướng, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Theo đồng chí Lê Minh Hoan, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là câu chuyện thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức của người dân, không phải làm một ngày một bữa mà phải có chiều sâu và tất cả phải cùng vào cuộc. Qua đó, đề nghị tỉnh Sóc Trăng và ngành nông nghiệp, các địa phương tổ chức lại sản xuất và liên kết sản xuất; tổ chức lại thị trường, không gian ngành hàng; thông tin thị trường nhiều hơn cho người dân sản xuất; quan tâm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là cải thiện đời sống người dân; hướng dẫn nông dân canh tác hướng tới nhu cầu thị trường; tạo sự đoàn kết sản xuất trong cộng đồng người dân nông thôn; sâu sát hơn nữa cơ sở…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/trong-tinh/tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-la-cau-chuyen-thay-doi-tu-duy-56695.html