Tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt – Trung

'Chúng tôi vô cùng xúc động trước việc các đồng chí đã sưu tầm, duy trì, bảo quản rất tốt các hình ảnh, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại Quảng Tây. Điều này thể hiện tình cảm đặc biệt của các đồng chí đối với Bác Hồ, đồng thời cũng thể hiện sự thủy chung, trước sau như một với Việt Nam chúng tôi. Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, khắc ghi sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước ngày nay. Những di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc đã trở thành tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt- Trung'.

Trên đây là lời phát biểu chân thành, đầy xúc động của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam sau khi được nghe thuyết minh về những hiện vật được trưng bày trong Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc).

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam nghe thuyết minh về những hiện vật được trưng bày trong Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc).

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam nghe thuyết minh về những hiện vật được trưng bày trong Nhà Triển lãm Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc).

Các đại biểu trong đoàn cán bộ quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng bày tỏ sự xúc động khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật vô cùng giản dị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã từng sử dụng; được lắng nghe câu chuyện kể về hành trình gian nan của Bác trong suốt quãng thời gian ở Long Châu và một số địa phương thuộc Quảng Tây.

Qua lời kể của thuyết minh viên Lăng Thu Vũ, di tích này đã đón tiếp nhiều đoàn khách Trung Quốc, khách quốc tế và rất nhiều đoàn khách du lịch Việt Nam đến thăm. Tại đây, hơn 600 bức ảnh cùng 60 hiện vật được trưng bày theo hai chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và “Long Châu với cách mạng Việt Nam” đã tái hiện sinh động quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam hoạt động sôi nổi để chuẩn bị cho những thắng lợi sau này của cách mạng Việt Nam.

 Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam trao quà tặng Ban quản lý Nhà triển lãm Hồ Chí Minh.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam trao quà tặng Ban quản lý Nhà triển lãm Hồ Chí Minh.

Long Châu là địa phương tiếp giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam. Được biết, từ những năm 1930, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Long Châu trở thành căn cứ địa quan trọng của Đảng ở hải ngoại. Đây là nơi những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… hoạt động suốt một thời gian dài. Trong thời kỳ 1940-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu hoạt động cách mạng ở khu vực vùng biên giới Trung Quốc, trong đó có Long Châu. Tháng 12-1940, Người ở Tĩnh Tây, sau đó, năm 1942-1943, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà lao ở 13 huyện của tỉnh Quảng Tây như: Thiên Bảo, Tĩnh Tây, Quế Lâm, Liễu Châu... Sau đó đến tháng 8-1944, Người đến ở Nà Pha, Long Châu.

 Đoàn công tác chụp ảnh chung tại Nhà tưởng niệm khởi nghĩa Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).

Đoàn công tác chụp ảnh chung tại Nhà tưởng niệm khởi nghĩa Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).

Thăm các di tích tại huyện Long Châu, thuộc thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), các đồng chí trong Đoàn đã chia sẻ niềm xúc động trước những kỷ vật của Bác Hồ, đồng thời bày tỏ vui mừng trước sự trân trọng, quan tâm đầu tư của chính quyền Trung ương cũng như địa phương; tình cảm của nhân dân Trung Quốc với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn hoạt động trên đất Trung Quốc và giờ đây là với các di tích của Người.

Cách đây gần 10 năm, chính quyền Long Châu đã khôi phục di tích này đúng như thời kỳ Bác ở và làm việc vào những năm 40 của thế kỷ trước. Diện tích còn lại phía bạn đã làm Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Long Châu – nơi ghi dấu ấn rất đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung.

“Tại Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 74 đường Nam), trong diện tích 1.230m2 trưng bày khá nhiều hiện vật liên quan đến Người như: Chiếc bát sứ Bác Hồ dùng ở nhà đồng chí Nông Kỳ Chấn tại bản Nà Tạo, xã Hạ Đống; chiếc chậu thau đồng mà Bác và những người cách mạng khác đã sử dụng trong thời gian nghỉ tại nhà Tô Trung Lương ở bản Lũng Ỷ, Bình Mạnh, huyện Nà Pha; chiếc gối và vali da năm xưa Bác dùng để giữ tài liệu và súng lục; chậu đất, niêu đất- những đồ vật mà Bác dùng khi nghỉ chân ở nhà Trương Kỳ Siêu số 3 phố Long Lâm, huyện Tĩnh Tây...

Hướng dẫn viên Nhà triển lãm Lăng Thu Vũ cho biết: “Từ khi khai trương 19-5-2006 đến nay, chúng tôi đã đón tiếp hàng nghìn lượt người tham quan, tạo được hiệu quả xã hội tích cực. Nhà triển lãm Hồ Chí Minh đã trở thành địa điểm giáo dục cách mạng truyền thống hiếm có, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hai nước Trung-Việt”.

Chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư, tu bổ công trình, công nhận là di tích lịch sử.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA (Từ Quảng Tây, Trung Quốc)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/tai-san-vo-gia-cua-tinh-huu-nghi-viet-trung-800505