Tại sao thái giám lại để quả ké đầu ngựa trong đế giày khi phục vụ Hoàng đế và các phi tần?
Với thân phận thấp kém, các thái giám sẽ phải làm mọi cách để giữ được mạng sống khi phục vụ hoàng đế và các phi tần.
Thái giám được xem là 1 trong những nhân vật ‘thấp cổ bé họng’ nhất trong cung thời xưa. Họ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào dù chỉ phạm 1 lỗi nhỏ, chỉ cần chủ nhân ra lệnh, họ sẽ bị xử tử.
Trong suốt các triều đại Trung Quốc, ngoại trừ một số ít hoạn quan quyền lực, đại đa số các hoạn quan đều có số phận vô cùng khốn khổ và địa vị của họ không khác gì nô lệ. Họ là nhóm người lớn nhất trong cung điện, nhưng cũng là nhóm kín đáo nhất, mạng sống của họ ít giá trị nhất.
Tôn Diệu Đình được biết đến là thái giám cuối cùng của Trung Quốc, từng nhớ lại trải nghiệm của mình khi vào cung để phục vụ gia đình hoàng đế Phổ Nghi. Ông từng nói rằng khi phục vụ một phi tần quý tộc vào ban đêm, phải đặt một quả ké đầu ngựa ở đế giày.
Sở dĩ loại hạt này gọi là hạt ké đầu ngựa vì toàn thân nó được bao phủ bởi gai, và thường xuất hiện ở vùng nông thôn Trung Quốc. Đặc biệt sau khi trưởng thành, gai của nó cực kỳ sắc nhọn và có thể đâm thủng da nếu không cẩn thận.
Các thái giám làm như vậy là vì điều quan trọng liên quan đến tính mạng của mình. Những người này luôn phải cẩn trọng trong cung điện, nơi có thể chết bất cứ lúc nào. Đặc biệt là khi phục vụ các phi tần, càng phải cẩn thận bởi sự đấu đá trong hậu cung rất lớn. Ngoài ra, khi phục vụ các phi tần ngày đêm sẽ khiến các thái giám buồn ngủ, để chống lại việc này, họ nghĩ ra cách đặt quả ké đầu ngựa vào đế giày, bởi khi đau họ sẽ không còn cảm giác buồn ngủ nữa. Tôn Diệu Đình cũng đã từng làm cách này để có thể sống sót trong hoàng cung.