Tạm dừng đến bao giờ?

1. Tại TP. Phan Thiết, trong mấy tháng qua, các hoạt động liên quan đến tách thửa, cấp sổ, chỉnh lý… đều như tạm dừng. Ban đầu có lý do là phải chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020, vì căn cứ vào đó mới có cơ sở để thực hiện. Sau đó lại phải chờ… vì cán bộ liên quan đến lĩnh vực đất đai đang bị 'khủng hoảng' sau vụ sai phạm đất đai ở đây theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tức thiếu người làm và cả chuyện cán bộ lo ngại bị sai, ngại làm. Chưa hết, gần đây lại nghe nói tiếp tục phải chờ, vì chuyện những thửa đất nông nghiệp tách thành sào gây nên sai phạm trong đất đai ở Phan Thiết cần được sàng lọc ra… Nói chung là có lý do cụ thể và người dân có nhu cầu thì bộ phận một cửa UBND thành phố vẫn tiếp nhận, vẫn có giấy hẹn nhưng đến ngày thì có lý do lại phải chờ. Trong khi đó, tại các huyện, thị trong tỉnh cũng chịu ảnh hưởng chung, nhất là công việc tách thửa đất nông nghiệp theo luật định với những hộ dân có đất nông nghiệp muốn tách thửa cho tặng con cháu, người thân, hình như cũng đang dừng. Qua tìm hiểu được biết do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan không được quy định rõ ràng trong thực hiện làm chậm bao nhiêu hồ sơ. Đó là chính quyền nơi người được tặng đất phải xác nhận người đó có số đất vượt hạn mức không. Trong khi, hoạt động này lại không ràng buộc cụ thể về thời gian trả lời nên xảy ra tình trạng có hồ sơ, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã gửi lấy thông tin lần 3 nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa hồi đáp. Vì vậy, hồ sơ này đã trễ hẹn gần 2 tháng nay. Đó là lý do vào thời gian trước đây, có không ít hồ sơ tách thửa đã không làm thủ tục này, vì nhiều người nghĩ rằng chẳng có ai vượt mốc hạn mức đất đã quy định tại khoản 2, điều 44, Nghị định 43/CP là 'không quá 100 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 300 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi'.

Tạm dừng đến bao giờ

2. Thực tế, việc tạm dừng ở nơi này hay giải quyết chậm ở nơi kia trong hoạt động tách thửa đất nông nghiệp trên đều cùng phản ánh một thực tế chung là đang đình trệ. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 17/5/2019 về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất; trong đó nhấn mạnh: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất có nhu cầu tách thửa để chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô để kinh doanh bất động sản thì phải yêu cầu lập dự án theo quy định pháp luật và đảm bảo đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ (đường, điện, cấp và thoát nước…) theo quy chuẩn xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan”. Rồi sau đó, Sở Tài nguyên - Môi trường có văn bản hướng dẫn thực hiện. Có nghĩa, mọi hoạt động liên quan đến đất đai trên vẫn cứ giải quyết theo luật định, trong đó riêng các trường hợp kinh doanh bất động sản phải làm đúng theo luật đầu tư, chứ không làm sai quy định như thời gian qua.

Thế nhưng, thực tế cho thấy chính quyền các huyện, thị đều rất ngán ngại chuyện xác định có hay không có kinh doanh của người tách thửa đất nông nghiệp… Có nơi cho rằng không chỉ sợ sai, sợ hiểu lầm mà còn khó làm. Vì theo văn bản hướng dẫn vào tháng 7/2019 của Sở Tài nguyên - Môi trường về việc tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, có chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố mời các đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau đó tách thửa, phân lô đến làm việc nhằm làm rõ động cơ, mục đích… Theo chính quyền huyện, thị xã, thành phố phân tích, điều đó rất khó làm, vì không có chức năng trên. Còn chuyện giao nhiệm vụ cho công an thì đơn vị này cũng phải thực hiện theo đúng chức trách, tức chỉ vào cuộc khi có đơn tố cáo. Trong khi đó, Quyết định 52/2019 của UBND tỉnh cũng đang phải bổ sung thêm, vì nảy sinh tình huống những thửa đất nhỏ khó có thể lập dự án đầu tư…

Hảo Chi

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/tam-dung-den-bao-gio-122062.html