Tận dụng cơ hội vào chuỗi giá trị toàn cầu
Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất lớn của thế giới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam để đầu tư, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể thấy cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đang rộng mở, có điều là doanh nghiệp có tận dụng được hay không.
Sự kiện "Ngày hội cung cấp 2019" do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội ngày 25/4.
Hơn 60 nhà cung cấp là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam và hơn 300 doanh nhân, trong đó có nhiều đại diện DN lớn của Hoa Kỳ tham dự đánh dấu một bước phát triển quan trọng về chất lượng và quy mô của chương trình liên kết chuỗi giá trị toàn cầu tại Việt Nam.
Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, những cơ hội cụ thể nhất mà DN Việt cần phải nắm bắt.
Cơ hội đang tới
Ông Daniel J.Krirenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt trong hai thập kỷ vừa qua. Việt Nam sẽ là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Các DN Hoa Kỳ mong muốn cùng hợp tác kinh doanh với DN Việt Nam, giúp DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng đang có những thách thức trong việc tăng cường khả năng định vị vai trò của DN. DNVVN hiện chiếm tới 98% số DN nhưng chỉ đóng góp khoảng 40% vào GDP, chỉ 1/4 DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giá trị tiềm năng của nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là 115 tỷ USD, tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu khoảng 58 tỷ USD. Tuy nhiên, do DN Việt không hội nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu nên đã bỏ lỡ mất cơ hội này.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng DN Việt Nam, đặc biệt là DNVVN, đang có nhiều cơ hội hợp tác với công ty nước ngoài. Việt Nam trở thành công xưởng lớn trên thế giới, nhiều nhà đầu tư, DN lớn ở các quốc gia đang đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác.
Tuy nhiên, nghiên cứu từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy chỉ khoảng 20% DNVVN tham gia chuỗi cung ứng, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu với các diễn biến thương mại khó lường, sự hợp tác giữa DN Việt Nam với các DN nước ngoài là chìa khóa để phát triển, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực của DN Việt.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, liên tục trong những năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng và 56% trong số đó được đổ vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, số DN Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng của các DN FDI là hết sức hạn chế, đặc biệt ở những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử.
Đặc biệt, ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần Liên kết DN nước ngoài, Dự án kết nối DN nhỏ và vừa (LinkSME), cho rằng đang có làn sóng các DN đến từ Trung Quốc dịch chuyển khỏi nước này và tìm đến Việt Nam, nhưng khoảng 90% DN Việt Nam hiện nay chưa sẵn sàng cung cấp cho các DN quốc tế.
Cần sự hỗ trợ
Nếu so sánh, chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc lại sở hữu chuỗi cung ứng hoàn hảo trong khi Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều, thậm chí phải đặt hàng nguyên liệu, khiến sản xuất không còn hiệu quả.
Một trong những lý do là DNVVN Việt Nam không có kinh nghiệm làm việc với các DN quốc tế, thị trường quốc tế, không hiểu được kỳ vọng của họ. Vì vậy, các DNVVN Việt Nam cần học cách thỏa thuận với công ty quốc tế, cách kiểm soát chất lượng, quản lý quy trình và gia tăng hiệu quả.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đánh giá các DN nước ngoài thường có yêu cầu cao về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được. Về bản chất, khó khăn này thuộc loại chủ quan, nếu DN Việt Nam không tự vươn lên thì sẽ không thể tham gia "cuộc chơi".
Tuy nhiên, thực tế cũng cần nhìn nhận DN Việt Nam hầu hết là DNVVN nên thông thường luôn có suy nghĩ có đơn hàng chắc chắn, có đầu ra đảm bảo mới dám vay vốn, đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tuyển dụng nhân lực trình độ cao…
Vì vậy, ông Quang cho rằng để giải quyết câu chuyện trên, ngoài việc các DN cả hai phía có sự phối hợp chặt chẽ, tạo dựng lòng tin, nâng cao năng lực quản trị rủi ro… cần thêm sự hỗ trợ từ các hiệp hội, tổ chức tư vấn đầu tư, tổ chức tín dụng…
Theo số liệu thống kê từ VCCI, 60% DNVVN đang gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Trừ việc đăng ký thành lập DN hiện khá thuận lợi, còn khi xin cấp giấy phép về kinh doanh, giấy phép xây dựng, các loại giấy phép về môi trường, về an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy… hầu hết đều vướng thủ tục rườm rà, phức tạp, lãng phí thời gian và làm nản lòng DN.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, nhìn nhận sở dĩ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam còn yếu là do đang phải đối mặt với các khó khăn, rủi ro tiềm ẩn.
Nhiều bài học cho thấy những thương hiệu Việt Nam đã bị lép vế trên "sân nhà" là do chịu ảnh hưởng bởi chính sách chưa ổn định, rủi ro khi thiếu thông tin thị trường, tư duy quản lý lạc hậu, công nghệ cũ…
Điều đó dẫn tới cơ hội vươn ra thị trường quốc tế của DN Việt vẫn đang là hạn chế và khó vượt qua. Vì vậy, môi trường kinh doanh cần phải cải thiện hơn nữa, thủ tục hành chính thuận lợi, thông thoáng là công cụ hỗ trợ DN Việt lớn mạnh.
Ông Daniel J.Krirenbrink cho rằng thời gian tới, chính sách Nhà nước cần phải tạo điều kiện hơn nữa để DN Việt Nam lớn mạnh, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm. "Cần phải đưa DNVVN Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất của DN Việt Nam".
Lê Thúy
Ông Daniel J.Krirenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Trong năm nay, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tổ chức Ngày nhà cung cấp tại Đà Nẵng vào tháng 6 và Ngày cung cấp tại Tp.HCM vào tháng 10. Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu DNVVN Việt Nam với đối tác nước ngoài, DN trong nước và ngoài nước cùng nhau thảo luận phương thức kinh doanh, hợp tác. Đặc biệt, tại sự kiện, nhà đầu tư có thể chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh của mình để DN Việt Nam học hỏi, cải tiến sản phẩm theo đúng yêu cầu.
Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội
Một trong những vấn đề lớn nhất mà DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải, theo khảo sát của chúng tôi, là tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu – linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan. Chính vì vậy, các DN sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận. Đây được coi là vấn đề tồn tại lớn nhất nhưng cũng là tiềm năng.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Tp.Hà Nội
Con số DNVVN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn so với khu vực và thế giới. Bởi vậy, DN cần quyết tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tạo dựng thương hiệu… Đặc biệt, Nhà nước đang có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho những ngành, lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của DN Việt Nam như nông nghiệp công nghệ cao, thiết kế sản xuất phần mềm, dịch vụ du lịch, công nghiệp hỗ trợ… đều là những sản phẩm có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.