Tăng lương từ 1-7-2023: Có bất công khi chênh lệch lớn giữa người tăng nhiều, người tăng ít?
Tăng lương đồng nghĩa với tăng mức đóng BHXH, BHYT và đương nhiên mức hưởng BHXH BHTN; trợ cấp thất nghiệp, lương hưu...); các chế độ hưởng từ BHYT như chế độ thai sản; ốm đau... của lao động cũng sẽ tăng thêm.
Quốc hội đã chốt tăng lương cán bộ công chức, viên chức từ 1-7-2023. Theo đó, có nhóm sẽ được tăng hơn 2,4 triệu đồng nhưng có những nhóm chỉ được tăng hơn 500.000 đồng. Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác biệt từ các chuyên gia.
Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, ai sẽ là người được tăng lương nhiều nhất?
Trước đó, trong phiên họp quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng không nên điều chỉnh tăng lương từ 1-1-2023 vì đây là thời điểm đúng Tết Dương lịch, cận Tết Âm lịch. Thời điểm này khá nhạy cảm vì nhu cầu mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá và tâm lý tăng lương kèm với tăng giá sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Sau khi cân nhắc, Quốc hội chốt thời điểm tăng lương từ 1-7-2023 mức tăng là 310.000 đồng/tháng so với mức lương cơ sở hiện hành (1,49 triệu đồng/tháng).
Như vậy, từ 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương với cán bộ, công chức, viên chức được thay đổi đáng kể, căn cứ theo công thức tính lương đang áp dụng.
Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng).
Mức lương của cán bộ công chức sẽ được áp dụng theo bảng phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và áp dụng với từng đối tượng cụ thể khác nhau. Với người lao động trong khu vực doanh nghiệp lương được tính theo thỏa thuận của các bên, không hề bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của lương cơ sở.
Một trong những vấn đề được quan tâm, thảo luận nhiều nhất khi đề cập tới vấn đề tăng lương đó chính là mức tăng lương giữa các nhóm. Khi áp dụng tăng lương cơ sở vùng lên 1,8 triệu đồng thay vì 1,49 triệu đồng thì mức tăng sẽ được áp dụng đồng loạt cho cả nhóm có tiền lương cao và nhóm có tiền lương thấp ở tất cả các hệ số.
Theo một số chuyên gia tiền lương, đại biểu quốc hội thì đây là điểm bất cập, và không nên tăng kiểu này. Nguyên nhân là bởi một bộ phận lớn công chức, viên chức có tiền lương thấp đời sống rất khó khăn, ngân sách của chúng ta cũng hạn chế. Vì thế, có thể ưu tiên tăng lương cho nhóm công chức, viên chức có mức lương thấp nhiều hơn.
Khi áp dụng mức lương cơ sở mới, theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì tiền lương công chức hạng cao nhất được tăng thêm 2.480.000 đồng/tháng, thấp nhất tăng 577.000 đồng/tháng. Công chức càng ở cấp bậc cao, số tiền lương nhận được thêm càng lớn.
Cụ thể công chức, viên chức A3 đang hưởng lương hệ số 8,0 (hệ số tiền lương cao nhất hiện nay) sẽ được tăng thêm 2,48 triệu đồng. Mức lương hiện hưởng của nhóm này đang là 11.920.000 đồng/tháng, kể từ 1/7/2023, mức lương của nhóm này sẽ tăng lên 14.400.000 đồng.
Trong khi đó, mức lương của công chức, viên chức loại B, loại có hệ số lương thấp nhất là 1,86 (hệ số lương cho lao động có trình độ trung cấp) có mức tăng không đáng kể, chỉ tăng 418 nghìn đồng so với lương đang hưởng hiện nay. Hiện nay nhóm này đang hưởng lương là hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Khi tăng lương cơ sở từ 1-7-2023 thì lương nhóm này sẽ được tăng lên là hơn 3,3 triệu đồng/tháng (tăng thêm 577.000 đồng/tháng).
Tăng lương cơ sở: “Người tăng nhiều, người tăng ít nhưng điều đó hợp lý"
Trao đổi với PV Báo Dân Việt về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Xã hội Quốc hội cho rằng không thể cào bằng trong việc tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức người đang làm việc trực tiếp. Khi tăng lương sẽ có những người có hệ số lương cao hơn được tăng nhiều hơn, cũng có người có hệ số lương thấp hơn thì tăng lương ít hơn. Nhưng theo ông Lợi điều này là hợp lý. "Nguyên tắc của tăng lương là điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc dựa trên mức độ cống hiến, tính chất công việc, chất lượng lao động. Không thể tăng đồng loạt vì nó không thể hiện được sự cạnh tranh trong cách tính tiền lương. Tiền lương của phải được trả theo công sức, chất lượng lao động. Anh nào làm việc lâu năm có đóng góp tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, giữ chức vụ cao hơn đương nhiên tiền lương phải cao hơn, mức tăng phải nhiều hơn", ông Lợi nói.
Ông Lợi chia sẻ thêm, Quốc hội đồng ý tăng lương hưu cho người về hưu, mức tăng đạt 12,5%, tuy nhiên nên có tính toán để điều chỉnh mức tăng phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Hiện nay, tiền lương của một bộ phận người có công và tiền lương hưu của người về hưu trước năm 1993 rất thấp. Nhiều người hưởng lương hưu chỉ từ 1,5-2 triệu đồng. Mức lương hưu này không đủ đảm bảo cuộc sống. Vì thế, ông Lợi kiến nghị nên xem xét lại mức tăng của nhóm đối tượng này cho phù hợp. Có thể với nhóm về hưu trước năm 1993, có mức lương hưu thấp nên tăng lên 15-20% thay vì tăng 12,5% như đề xuất để đảm bảo lương hưu thấp nhất cũng đạt khoảng 3 triệu đồng. Với nhóm có lương hưu cao hơn có thể tăng mức thấp hơn chút, khoảng 10%, tuy nhiên mức tăng lương hưu không nên vượt quá 20%.
"Chính phủ và Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở khiến cho lao động rất mừng, dù chưa tăng sớm như mong đợi của công chức viên chức nhưng đó là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, Quốc hội. Chính phủ đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy rất mong công chức, viên chức sẻ chia thấu hiểu", ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, về lâu dài để tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách tiền lương thì cần thực hiện giải pháp có tính chất căn cơ là cải cách tiền lương. Thực hiện tinh giảm biên chế, tạo nguồn lực để cải cách tiền lương. Đưa tiền lương về đúng giá trị thực, phản ánh được đúng giá trị sức lao động. Đảm bảo tiền lương phải đủ sống, xa hơn tiền lương phải là động lực đầu tư cho lao động. Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho con người chính là sự đầu tư cho sự phát triển. "Cải cách tiền lương , tính lương theo thang bảng lương, chức vụ công tác mới đưa tiền lương về đúng giá trị thực trên thị trường lao động. Tiền lương thấp chưa đủ sống nói gì tới việc đầu tư cho sự phát triển, công bằng", ông Lợi chia sẻ.
Cũng theo ông Lợi, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta phải thực hiện 1 loạt chương trình mục tiêu quốc gia , thực hiện các chương trình đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm... thì việc cải cách tiền lương, hay tăng lương lúc này là vấn đề rất khó. Quốc hội đã nhận thấy sự cần thiết của việc phải tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, để đảm bảo việc kiểm soát lạm phát, trượt giá, Chính phủ quốc hội đã chọn lùi thời gian tăng lương và cải cách tiền lương để tránh "lợi bất cập hại". Đây cũng là điều hợp lý.