Tạo chuyển biến từ những cánh động mẫu lớn trong xây dựng nông thôn mới
Năm 2010, huyện Mê Linh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp với duy nhất 1/19 tiêu chí đạt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Mê Linh đã có 14/16 xã đạt nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người hết năm 2018 đạt gần 42 triệu đồng/người/năm; bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi.
Là một huyện thuần nông và cũng mới sáp nhập về Hà Nội năm 2008, bởi thế, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất nhiều các tiêu chí huyện Mê Linh gặp khó trong quá trình triển khai. Trong đó, công tác dồn điền, đổi thửa là một trong những vấn đề rất phức tạp. Tuy nhiên, với việc áp dụng các hình thức tuyên truyền, cùng sự triển khai quyết liệt, tích cực và sự nỗ lực của lãnh đạo các xã. Đến nay, toàn huyện đã đạt 100% kế hoạch được giao trong dồn điền, đổi thửa.
Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa nên huyện Mê Linh đã xây dựng được nhiều cánh đồng lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động, tiết kiệm được thời gian, nhân công, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó tác động tích cực đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như tiêu chí thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất...
Cùng với việc triển khai mạnh mẽ công tác dồn điền, đổi thửa, một trong những nhiệm vụ được huyện Mê Linh đẩy mạnh triển khai đó là, thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp thuận lợi trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng năm Ủy ban Nhân dân huyện có kế hoạch xây dựng, hỗ trợ các đơn vị thực hiện xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Cụ thể, việc xây dựng chuỗi đã được triển khai tại 6/18 xã, thị trấn (chiếm trên 30% đơn vị hành chính trên địa bàn huyện) là Tráng Việt, Tiến Thịnh, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Văn Khê, Liên Mạc.
Để xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh thực hiện tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu của người dân, đánh giá khả năng cung ứng của các Hợp tác xã và các yếu tố liên quan đến việc sản xuất rau, củ, quả đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, hỗ trợ việc kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã trong việc cung cấp rau, củ, quả.
Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí hội nghị triển khai, hội nghị tổng kết, kinh phí vận chuyển tham gia hội nghị xúc tiến thương mại (hội chợ, trưng bày, triển lãm…); 100% kinh phí mua sổ, bút cho người dân ghi chép theo dõi trong quá trình sản xuất; biển giới thiệu khu sản xuất; in tem, nhãn cho sản phẩm; thiết kế Website giới thiệu sản phẩm trên các trang web; các trang thiết bị để giám sát chất lượng sản phẩm…; 100% kinh phí thiết kế bộ nhận diện thương hiệu; mã số mã vạch, mã Qrcode, hỗ trợ các cơ sở tham gia hệ thống truy xuất của huyện, in tem truy xuất…
Có thể thấy, việc xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn huyện đã tạo cơ sở pháp lý cho người sản xuất, kinh doanh thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm soát chất lượng rau, củ, quả. Tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm của các Hợp tác xã. Kết nối người sản xuất với người tiêu dùng thông qua đơn vị phân phối...
Đặc biệt, sau khi xây dựng chuỗi, huyện làm cầu nối, giới thiệu đã có nhiều đơn vị cam kết tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của huyện, các Hợp tác xã đã mở rộng việc ký kết hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho trên 30 doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh trong và ngoài thành phố: Sản lượng cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ của các đơn vị sản xuất ngày càng tăng cao, giá trị sản phẩm được nâng lên rõ dệt. Giá trị sản phẩm tăng từ 120% đến 150%. Thu nhập bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/năm.