Tạo đòn bẩy cho dòng phương tiện xanh

Giảm thải carbon từ phương tiện ô tô được coi là giải pháp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đang hướng tới. Điều đó đòi hỏi phải có chiến lược phát triển sản xuất dòng xe thân thiện với môi trường, sử dụng nhiên liệu sinh học.

Ngành ô tô nước nhà đã và đang chú trọng phát triển dòng xe ô tô xanh. Ảnh: Minh Quân.

Ngành ô tô nước nhà đã và đang chú trọng phát triển dòng xe ô tô xanh. Ảnh: Minh Quân.

Mục tiêu giảm phát thải của ngành ô tô

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh.

Theo số liệu thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cả nước hiện có 377 doanh nghiệp (DN) ô tô, trong đó có 169 DN FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Nêu nguyên nhân, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, là do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Theo mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.

Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược đã đưa ra các định hướng xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...)

Thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng DN đã có nhiều hành động thiết thực để tạo động lực mới cho ngành ô tô, mở lối cho những chiếc xe “xanh” lăn bánh, tạo nên một không gian giao thông xanh, sạch thân thiện môi trường. Theo đó, ngày càng xuất hiện trên thị trường những phương tiện 4 bánh sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu... góp phần giảm bớt ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn, dần tạo ra một bộ mặt giao thông mới phù hợp với định hướng xanh hóa, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050 của ngành giao thông vận tải.

Thúc đẩy các dòng xe thân thiện môi trường

Theo ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, thông qua doanh số thị trường ô tô từ năm 2015 - 2023 tăng khoảng trên 100.000 xe/năm, cùng quy mô dân số lớn đứng thứ 3 ASEAN.

Tuy nhiên, đây không phải là một con số đáng mừng cho môi trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi, để sản xuất hay lắp ráp một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh sẽ cần khoảng 30.000 sản phẩm linh kiện như kim loại, nhựa, cao su, hóa chất, điện tử... Việc sản xuất, lắp ráp các linh kiện này đều có tác động đến môi trường. Khi ô tô được đưa vào vận hành, sử dụng sẽ phát thải carbon, gây ô nhiễm không khí, hoặc chi phí sản xuất, xăng dầu phát sinh sẽ tiêu tốn hơn việc tận dụng nhiên liệu tự nhiên hay các linh kiện tái chế...

Để thực hiện chiến lược và cam kết của Chính phủ tại COP 21 và COP 26, VAMA hướng tới phát triển các nhóm chính sách tác động đến phát triển ngành công nghiệp ô tô, bao gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, hạ tầng xe điện và năng lượng xanh; chính sách bảo vệ môi trường gồm tái chế sản phẩm thải bỏ; thử nghiệm và chứng nhận xe điện... VAMA đưa ra các đề xuất chính trong việc chuyển đổi từ xe ô tô sử dụng nhiên liệu sang xe điện, trong đó, việc phát triển xe điện cần có lộ trình phù hợp với điều kiện tại Việt Nam cho các dòng xe: HEV, PHEV, FCEV; có chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hóa nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, hướng tới giảm mức phát thải carbon...

Điều này sẽ góp phần giảm tổng lượng carbon phát thải (ước tính hơn 2,6 triệu tấn CO2) trong lĩnh vực giao thông theo định hướng của Chính phủ; giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và giúp bảo vệ môi trường.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon cho biết, nhiên liệu hydrogen được sử dụng rất lớn ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đối với xe điện. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại năng lượng này là xử lý pin phế liệu có thể gây ô nhiễm môi trường. Để hạn chế điều này, nhiều nước đang nghiên cứu công nghệ tạo ra pin xe điện có độ bền rất cao có thể lên tới 20 - 30 năm. Vì vậy, xe điện cũng là một loại phương tiện giảm phát thải khí nhà kính đầy triển vọng trong những thập kỷ tới.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô và xe máy điện đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Tuy nhiên, cần có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn, để vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí bền vững.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-don-bay-cho-dong-phuong-tien-xanh-10291689.html