Tạo 'lực hấp dẫn' nguồn lực tri thức

Những ngày cuối tháng 10, Diễn đàn mùa thu TPHCM - Hoa Kỳ năm 2024 đã diễn ra với sự tham dự của đoàn đại biểu TPHCM do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm trưởng đoàn.

Diễn đàn nhằm hiện thực hóa sự hợp tác của các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, những nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, tập trung vào các trọng tâm của thành phố, trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vừa tròn 1 năm.

Các chuyên gia, nhà khoa học, các lãnh đạo, cố vấn cấp cao của các tập đoàn đã đóng góp cho diễn đàn nhiều đánh giá, phân tích sâu sắc, gợi mở nhiều giải pháp về chính sách nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư để giúp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trở thành một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Sự kiện Trường Đại học Fulbright Việt Nam vừa nhận giấy phép xây dựng dự án giai đoạn 1 tại Khu Công nghệ cao TPHCM là minh chứng cho một kết thúc có hậu sau một số vướng mắc về cơ chế.

Với 13 công trình được cấp phép xây dựng, dự kiến hoàn thành vào quý 4-2026, công trình sẽ giúp trường “trở thành một trung tâm giáo dục và nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn”. Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút chất xám khoa học, quy tụ đội ngũ chuyên gia, trí thức trên mọi lĩnh vực để cùng đóng góp, tư vấn, phản biện trong các dự thảo của các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố, hướng tới xây dựng một đô thị sáng tạo, hiện đại, nhân văn sau 50 năm hòa bình, phát triển.

Từ thực tế 8 năm “treo” của dự án xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cùng phản ánh từ các cơ quan chức năng “sau 4 năm (2018-2022), TPHCM chỉ thu hút được 5 nhân tài” đã làm nhiều người phải quan ngại.

Những “trần ai” trong cả cơ chế xây dựng thiết chế, cơ sở hạ tầng, cùng với tài chính nhằm đáp ứng môi trường làm việc cho chuyên gia là những lý do chủ yếu của việc ít thu hút được nhân tài. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận khác trong thu hút và huy động nguồn lực người tài trong các lĩnh vực chiến lược mà nền kinh tế cần tập trung.

Với những thảo luận và gợi ý từ Diễn đàn mùa thu TPHCM - Hoa Kỳ năm 2024, có thể tạm chia ra 2 nhóm giải pháp để thực sự giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn” này.

Đối với chuyên gia/nhà khoa học, cần phát huy loại hình tư vấn, phản biện thông qua các hội đồng để góp ý, thẩm định chính sách; tổ chức nghiên cứu khoa học theo từng đề tài/đề án; tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề...

Công nghệ cũng hỗ trợ để tiến tới hình thành mạng lưới chuyên gia (cả trực tiếp lẫn qua môi trường trực tuyến) chuyên về tư vấn và phản biện. Quá trình thông báo đặt hàng, đặt vấn đề và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình kinh tế - xã hội để phát huy những khía cạnh khác nhau của các nhóm chuyên gia hiện hữu và kết nối với các nhóm mới gắn theo các chủ đề chuyên sâu mà thành phố đang có nhu cầu.

Ở góc nhìn trung và dài hạn, những “đầu bài lớn” gắn với đi tìm các lời giải cho những “thách thức lớn” của thành phố, của đất nước trong bối cảnh mới đóng vai trò quan trọng. Sức mạnh của tri thức vừa phải tạo ra môi trường tương tác, vừa phải gắn vào các sứ mạng mang tính tác động đến xã hội, cộng đồng, tạo nên các động lực tham gia và đóng góp, biến “chất xám” thành những sản phẩm cụ thể. Nguồn lực tri thức cần một “lực hấp dẫn” đủ mạnh để có thể phát huy ở tầm quốc gia và thành phố!

CHÍNH TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-luc-hap-dan-nguon-luc-tri-thuc-post766402.html