Tạo sản phẩm níu chân du khách: *Bài 1: Hình thành trải nghiệm đặc sắc
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề 'Tạo sản phẩm níu chân du khách' nhằm khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch.
Sản phẩm du lịch là "linh hồn" trong mỗi hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách. Sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm cũng chính là yếu tố góp phần làm nên hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề "Tạo sản phẩm níu chân du khách" nhằm khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Bài viết nêu những vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm thu hút, giữ chân du khách, tạo cho khách "nỗi thương nhớ điểm đến" để quay lại nhiều hơn.
Bài 1: Hình thành trải nghiệm đặc sắc
Sản phẩm du lịch được xây dựng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, quốc gia. Sản phẩm thu hút du khách sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương, hình thành nhiều trải nghiệm thú vị, đặc sắc, đáng nhớ cho du khách.
Tài nguyên văn hóa, thiên nhiên và sự sáng tạo luôn là những yếu tố góp phần hình thành nên sản phẩm du lịch sáng tạo đặc thù, hấp dẫn du khách.
Nói về tài nguyên hình thành sản phẩm du lịch nước ta, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính chia sẻ: Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (2021) đánh giá cao về tài nguyên thiên nhiên (đứng thứ 24/117), tài nguyên văn hóa (xếp thứ 25/117), đều nằm trong top 3 khu vực ASEAN. Với hai tài nguyên chính chủ yếu tạo ra sản phẩm du lịch Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nghĩa là chúng ta có đầy đủ tiềm năng để phát triển các dòng sản phẩm đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường khách khác nhau.
Các địa phương trên cơ sở tài nguyên sẵn có đã xây dựng những sản phẩm đặc thù, độc đáo. Có thể kể đến sản phẩm kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Giá trị nghệ thuật được nghiên cứu tạo thành sản phẩm đặc sắc như chương trình thực cảnh Ký ức Hội An, show Áo dài, Tinh hoa Bắc Bộ, múa rối nước, Tinh hoa Việt Nam… Các tour du lịch làng nghề, du lịch khám phá nông thôn, nông nghiệp thu hút đông đảo du khách, nhất là khách quốc tế.
Nhiều địa phương đã liên kết, tạo sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn du khách. Trong đó, phải nói đến vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh (Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái) sở hữu thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Khu vực này còn có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang đã được công nhận là danh thắng cấp quốc gia.
Nhiều điểm du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách. Như là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); đỉnh Fanxipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, Sapa - thành phố trong mây (Lào Cai); ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái); cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Gần đây nhất, Hà Giang vừa được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải "Điểm đến du lịch mới" nổi hàng đầu châu Á năm 2023.
Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: Vùng Tây Bắc mở rộng có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định hiệu quả, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính cũng nêu rõ, dù giàu tài nguyên nhưng sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm mang thương hiệu của quốc gia...
Du khách có xu hướng chọn sản phẩm du lịch bền vững và có trách nhiệm. Do đó, khi xây dựng sản phẩm, các địa phương doanh nghiệp cần chú ý các hoạt động xanh, thiện nguyện, phát triển văn hóa cộng đồng trong tour sẽ tạo dấu ấn, sức hút đặc biệt với khách quốc tế và giới trẻ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh mới, cần chú trọng khai thác chiều sâu các giá trị tri thức và sáng tạo khi xây dựng sản phẩm du lịch. Ví dụ như, phát triển các dịch vụ về đêm gắn với tri thức tại các bảo tàng, thư viện, điểm di tích văn hóa, lịch sử; tăng trải nghiệm ẩm thực bằng tất cả giác quan.
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính chia sẻ: Tại nhiều hội nghị về du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Ngành Du lịch cần chuyển từ xu hướng giới thiệu, cung cấp "cái mình có" sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng, thị trường cần; phát triển ngành Du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch một mùa sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Rõ ràng, chúng ta phải thay đổi cách làm từ việc phát triển sản phẩm mang tính thời vụ sang sản phẩm hấp dẫn, bền vững, thu hút khách quay trở lại nhiều hơn.