Tạo tính pháp lý cao hơn cho hoạt động giám sát

Qua thực tiễn thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung các quy định, cơ chế mời chuyên gia tham gia các Đoàn giám sát của HĐND; quy định cụ thể các biện pháp, chế tài thực hiện các kiến nghị sau giám sát; kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa nội dung hướng dẫn hoạt động giám sát tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Luật nhằm tạo tính pháp lý cao hơn, thuận tiện cho việc triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất.

Tăng cường khảo sát, đôn đốc giải quyết kiến nghị cử tri

Theo Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 giúp hoạt động giám sát được thực hiện đồng bộ, thống nhất, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trước đây. Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả giám sát. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND các cấp có chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND. Nghị quyết như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay.

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận tổ chức phiên họp lần thứ 26. Ảnh: A. Xuyến

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận tổ chức phiên họp lần thứ 26. Ảnh: A. Xuyến

Các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được tăng cường, chất lượng và hiệu quả được nâng lên đáng kể, mang lại hiệu quả thiết thực, là nguồn thông tin quan trọng, giúp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Điển hình, thông qua hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, chất lượng, hiệu quả giám sátcủa HĐND được nâng lên rõ rệt và đi vào chiều sâu. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết, góp phần ổn định tình hình, bảo đảm an ninh chính trị. Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp xử lý đơn thư của công dân gửi đến HĐND tỉnh Khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thường trực HĐND triển khai nhiều giải pháp tăng cường trách nhiệm của các chủ thể giám sát, nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; chú trọng chỉ đạo, phân công các Tổ đại biểu HĐND tăng cường khảo sát kiến nghị của cử tri, giám sát, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; giao các Ban HĐND phụ trách lĩnh vực, địa bàn theo dõi, đôn đốc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thường trực HĐND chỉ đạo đăng tải đầy đủ Chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND trên Trang Thông tin điện tử của HĐND, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, cũng như việc theo dõi, giám sát của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các Ban, Tổ đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả đến Thường trực HĐND để xem xét, xử lý đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị giám sát theo quy định.

Bổ sung quy định về việc mời chuyên gia tham gia Đoàn giám sát

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế. Qua thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện hơn khung pháp lý tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát quyền lực.

Theo đó, khung thời hạn thực hiện báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND còn chưa rõ ràng. Khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 quy định: Chậm nhất là ngày 30.3 và ngày 30.8 hằng năm, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã tổng hợp hợp kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Tuy nhiên, nghị quyết không quy định mốc thời gian báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát tính từ thời điểm nào dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả trình HĐND, Thường trực HĐND gặp khó khăn, lúng túng.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần có hướng dẫn chi tiết ban hành cụ thể cơ chế để thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, việc triển khai quy trình giám sát cũng như cách thức, phương pháp nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản, nhất là việc xử lý sau giám sát như thế nào chưa có hướng dẫn, làm cơ sở để các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND thực hiện đồng bộ, thống nhất, bài bản. Đồng thời, quy định cụ thể trình tự, thủ tục giám sát, xử lý đối với quyết định của UBND, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái pháp luật nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung các quy định, cơ chế về việc mời các chuyên gia trong tham gia các Đoàn giám sát của HĐND (quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kinh phí chi trả chế độ); quy định cụ thể các biện pháp, chế tài cụ thể trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đặc biệt, kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa các nội dung hướng dẫn hoạt động giám sát tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Luật nhằm tạo tính pháp lý cao hơn và thuận tiện cho việc triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất.

THẢO YẾN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tao-tinh-phap-ly-cao-hon-cho-hoat-dong-giam-sat-i345322/